Là người lính “Bộ đội cụ Hồ”, đã trải qua một đời binh nghiệp với quân hàm Đại tá. 32 năm trong quân đội, 26 năm nghỉ hưu, người thương binh - cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến chưa bao giờ biết đến nghỉ ngơi. Đã từng lập nhiều chiến công trong những năm kháng chiến, trong giai đoạn hòa bình xây dựng, người con của vùng đất Bình Dương kiên trung tiếp tục ra sức xây dựng cuộc sống mới trên quê hương chiến khu Đ anh hùng. Ông là người tiên phong khai hoang phục hóa, xây dựng trang trại, gieo mầm xanh trên vùng chiến khu xưa.
Tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, ông Đoàn Minh Chiếnbị địch bắn vào chân khi cùng nhân dân xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát đấu tranh đòi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Vết thương vừa lành, ông xung phong nhập ngũ và được tiếp nhận vào Đại đội 61, Bộ đội địa phương Bến Cát. 15 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, với 12 năm chiến đấu trên quê hương, ông không khuất phục trước mưa bom, bão đạn, tham gia gần 300 trận đánh lớn nhỏ, diệt ác, phá kìm. Dù 13 lần bị thương ông vẫn quyết tâm ở lại đơn vị tác chiến. Một trong những trận đánh khắc sâu trong ký ức ông là cuộc đối đầu với Lữ đoàn 3 - Sư đoàn 1 bộ binh “Anh cả đỏ” của quân đội Mỹ. Trận đánh diễn ra vào cuối năm 1965, khi đó ông là Trung đội trưởng Trung đội 2-Đại đội 61. Nhận định tình hình và phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương, đơn vị ông đã đánh tan trận càn của Sư đoàn "Anh cả đỏ", diệt hơn 100 tên Mỹ. Sau trận đánh, ông được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú. Chiến đấu dũng cảm và lập được nhiều chiến công, năm 1972, ông được Bộ Tư Lệnh Phân khu 1 Sài Gòn-Gia Định điều về Phân khu tiếp tục tham gia và chỉ huy nhiều trận đánh trong nội thành cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1977, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau được bổ nhiệm làm Phó sư đoàn trưởng-Sư đoàn 477-Quân khu 7 trước khi nghỉ hưu.
Dù là thương binh 2/4 nhưng với khí chất “Bộ đội cụ Hồ”, ông quyết định rời xa cuộc sống thành thị, về lại quê hương Chiến khu Đ với quyết tâm gieo lại mầm xanh trên chiến khu xưa, để chiến khu xưa “nở hoa, kết trái”. Qua tìm tòi, nghiên cứu, ông chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng tại huyện Bắc Tân Uyên. Dù trải qua nhiều khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp khi vùng đất chiến khu năm xưa bị bom, mìn cày phá, đất đai hoang hóa. Nhưng với phương châm làm từ nhỏ đến lớn, những đồi trọc dần được ông gieo mầm. Quá trình lao động cần cù, ông đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp ở 2 xã Tân Định và Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Trên diện tích 54 hecta, ông đầu tư cho cả trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, phần lớn diện tích dành cho trồng trọt. Ngoài 35 hecta cao su đang trong thời kỳ khai thác ổn định với gần 20 năm, ông còn đầu tư trồng bưởi da xanh không hạt trên diện tích 15 hecta. Diện tích còn lại của ông trồng măng cụt, đào ao nuôi cá và trồng rừng, tre điền trúc ở các khu vực ven bờ sông Bé để chống sạt lở và góp phần bảo vệ môi trường. Xác định lợi ích ngay từ ban đầu của sự bổ trợ giữa các mặt hàng nông sản nên hiện nay dù giá cao su giảm nhưng ông vẫn có vốn tái đầu tư sản xuất cho cả trang trại nhờ vào nguồn thu bưởi da xanh. Trong tổng số 15 hecta bưởi da xanh đã có 7 hecta cho thu hoạch. Bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ nên chất lượng ngon, sản lượng cao. Mỗi hecta bưởi cho sản lượng 40 tấn, giá bán bình quân 50.000đ/kg, đem lại doanh thu trên 12 tỷ đồng/năm, tạo nguồn thu khá cho gia đình.
Nặng tình với mảnh đất quê hương, dù đã 73 tuổi nhưng người thương binh, cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến vẫn luôn hăng say trên mảnh vườn mà chính đôi tay mình đã quyết tâm phủ xanh vùng chiến khu. Lao động để xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới ấm no- điều này càng tôn vinh phẩm chất cao đẹp của người lính “Bộ đội cụ Hồ”.