Người góp phần nâng tầm thương hiệu sầu riêng ở Bình Dương

        Những năm gần đây, Bình Dương không chỉ được biết đến là thủ phủ công nghiệp của vùng Đông nam bộ, mà còn là nơi sản xuất ra những nông sản sạch phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Có được những thành quả này không thể không nhắc đến sự đóng góp quý báu của những nông dân, chủ trang trại- những người luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ vào sản xuất, chăn nuôi để tạo ra những nông sản có giá trị kinh tế cao. Ông Đặng Văn Xuân ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo là một ví dụ điển hình.


        Vào năm 2000, trong khi phần lớn nông dân ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo đều chọn các loại cây công nghiệp như: cao su, điều, tiêu...để trồng, thì ông Xuân lại quyết định trồng sầu riêng. Bỡi quê ông ở Tiền Giang, nơi được coi là thủ phủ của cây sầu riêng Việt Nam nên ông nhận thấy vùng đất Tân Hiệp rất thích hợp trồng các loại cây ăn trái, nhất là cây sầu riêng. Ban đầu ông trồng thử 1,5 ha sầu riêng giống Ri6.. Ông rất tự tin khi quyết định đầu tư hệ thống tưới tự động, chăm sóc, bón nhiều phân hữu cơ để vườn sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt. Sau gần 5 năm lao động cần mẫn, vườn sầu riêng đã cho thu hoạch vụ đầu tiên rất khả quan, năng suất khoảng 10 tấn trái/1ha. Thành công bước đầu đã giúp ông có thêm động lực để  mở rộng diện tích thêm 2,5 ha sầu riêng Thái. Để cung ứng cho thị trường những trái sầu riêng tươi ngon, chất lượng an toàn, ông chú trọng canh tác theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, đó là áp dụng qui trình canh tác VietGap. Sau khi thực thực hiện đúng theo hướng dẫn của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, năm 2022 trang trại của ông Xuân đã được cấp chứng nhận VietGap. Để nâng cao chất lượng trái cây theo một bước tiến mới, ông tiếp tục chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Theo đó, toàn bộ diện tích 4 ha sầu riêng của ông đều được làm cỏ thay vì phun thuốc, được bón phân hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại phân hoá học, thuốc trừ sâu độc hại...Các giai đoạn chăm sóc cây sầu riêng nếu phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì cũng là những thuốc trong danh mục cho phép, thuốc có nguồn gốc hữu cơ. Điều này giúp cho đất đai màu mỡ, vườn cây không ngừng phát triển và cho năng suất ổn định. Hiện nay, với sản lượng cho trái hơn 40 tấn trái/năm và giá bán bình quân 50 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 2 tỉ đồng từ tiền bán sầu riêng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận mang lại cho gia đình hơn 1 tỉ đồng.

          Không dừng lại ở đó, ông Xuân tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm ổn định đầu ra cho trái sầu riêng. Nghĩ là làm, ông cho tập hợp các hộ trồng sầu riêng trên địa bàn để thống nhất tiêu chuẩn sản xuất, giá cả và có đủ sản lượng hàng hoá để làm việc với thương lái. Nhờ cách làm này, mà trái sầu riêng của nông dân địa phương có nơi bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Hiện nay, ông đang làm hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, một thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ lực của Việt Nam.

          Có thể khẳng định: việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, cùng với nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, không riêng gì trái sầu riêng của gia đình ông Xuân mà những nông dân huyện Phú Giáo có cách làm như ông có thể tự tin gia nhập thị trường thế giới. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm thương hiệu cho sầu riêng Bình Dương vươn xa. Ông Đặng Văn Xuân xứng đáng là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” tỉnh của Bình Dương giai đoạn 2020-2023.