Trong con mắt các đồng sự, doanh nghiệp, những người đã có dịp tiếp xúc và làm việc trực tiếp với Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông là một người có tư duy kỹ trị, điều hành theo phương pháp, dựa trên tính toán và cơ sở khoa học. Chính ông là người đặt nền móng cho một loạt các quyết định và bước ngoặt quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập nhiều thử thách nhưng cũng tràn đầy cơ hội, để Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhớ lại khoảng thời gian làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Lê Văn Châu vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời điểm Thị trường Chứng khoán mới khai mở. Để chuẩn bị cho việc khai mở và thực hiện niêm yết vào năm 2000, rất nhiều các giải pháp kỹ thuật và chuẩn bị đã được đưa ra từ hàng chục năm trước đó. Khi đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói rằng: “Để huy động được vốn dài hạn chắc chắn chúng ta phải xây dựng thị trường chứng khoán, nhưng hãy làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chậm chắc không để đổ vỡ”.
Dưới sự chỉ đạo của cả đồng chí Phan Văn Khải và đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc đầu chuẩn bị là có 15,16 công ty chuẩn bị niêm yết. Tuy nhiên đến khi lên niêm yết thật lại chỉ có 2 công ty, rất khó khăn nhưng đồng chí Phan Văn Khải chỉ đạo là chúng ta phải kiên quyết làm và thị trường đã có được ngày hôm nay. Có thể nói Thủ tướng Phan Văn Khải là một người lãnh đạo rất kiên quyết, làm việc gì là phải quyết tâm, cố gắng làm bằng được, là một con người tốt đẹp, liêm khiết.
Trên trang facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI cũng đánh giá cao những đóng góp của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với Thị trường Chứng khoán. Ông Hưng thay mặt cộng đồng doanh nghiệp tư nhân bày tỏ sự biết ơn tới vị Thủ tướng Kỹ trị.
Còn đây là hình ảnh của đội ngũ tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải. Năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Nhớ lại quãng thời gian làm việc với nguyên Thủ tướng, chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh vẫn còn nguyên ấn tượng về người đã đặt nền móng cho Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Còn đối với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là người có công đẩy mạnh cải cách, điều hành dựa vào chuyên môn, nghiên cứu, cơ sở khoa học, từ đó góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam.
Từ năm 1993, Ông Lê Văn Châu, khi đang là Phó Thống đốc NNHNN cũng được làm việc cùng với đồng chí Phan Văn Khải. Thời điểm đó, Việt Nam đang gặp khó khăn về tài chính sau chiến tranh, với những khoản nợ và yêu cầu cấp thiết về vốn để thực hiện công cuộc đổi mới. Đoàn công tác của Việt Nam do Phó Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Paris nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam, đây chính là nền móng của hội nghị CG các nhà tài trợ cho Việt Nam những năm tiếp theo.
Còn nhiều dấu ấn nữa của nền Kinh tế Việt Nam dưới thời lãnh đạo của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.. Nhưng tựu chung lại, di sản của ông để lại cho chúng ta là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng hội nhập và một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân ngày càng mạnh mẽ, trở thành trụ cột của nền kinh tế và đóng góp cho công cuộc phát triển bền vững.