Trần Nhân Tông được biết đến là vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần, vị vua được tăng ni, phật tử, nhân dân tôn xưng là Phật hoàng vì những đóng góp to lớn trong sự nghiệp trị nước cũng như trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo Phật tro

Trần Nhân Tông được biết đến là vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần, vị vua được tăng ni, phật tử, nhân dân tôn xưng là Phật hoàng vì những đóng góp to lớn trong sự nghiệp trị nước cũng như trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo Phật trong đời sống xã hội. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Nho giáo – Phật giáo trong quan điểm trị nước của ông đã đem lại sự thái bình thịnh trị của nhà Trần trong suốt hàng trăm năm.

Đức vua Trần Nhân Tông lên ngôi vào năm 1278 khi mới 20 tuổi, ngay sau khi tiếp nhận vương quyền, đức vua đã thực hiện những đối sách, chủ trương và những quan điểm tiến bộ về sự hoà hợp giữa đạo Nho và đạo Phật trong chính sách trị nước. Quan điểm của Phật hoàng hướng con người đến với những giá trị chân, thiện, mỹ của Phật giáo nhưng cần phải phát huy tài năng của bản thân để phục vụ quốc gia, dân tộc của Nho giáo. Khi quyết chí xuất gia đến với đạo Phật, nhà vua đã dồn hết tâm sức để làm rạng rỡ tăng đoàn.

Nho giáo để lãnh đạo đất nước về quản lý xã hội, phật giáo lãnh đạo đất nước về mặt văn hoá, về mặt tư tưởng, về mặt tâm linh. Bởi vì con người ta tồn tại hai cuộc sống ấy. Nếu mà chúng ta bỏ đi một cuộc sống thì người dân sẽ tự khập khiễng. Phật hoàng nhìn nhận rất rõ và vận dụng hai tư tưởng đó một cách nhuần nhuyễn để xây dựng đất nước.

Ngài không dạy gì cao siêu, dạy cho người ta tam quy và ngũ giới. Tam quy là quay trở về nương tự phật, nương tựa pháp, nương tựa tăng, giữ gìn ngũ giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, giữ gìn 10 điều thiện, không tham, không sân, không si. Ngài luôn mang tư tưởng phật giáo vào đời, đạo vào đời.

Sự kết hợp Nho – Phật trong xã hội với những mối tương quan khăng khít chính là để thoả mãn đòi hỏi bức thiết của một giai đoạn Phật giáo mới trong xã hội thời nhà Trần. Người phật tử phải thực hiện nhiệm vụ dân tộc của mình, đồng thời phải tạo cho Phật giáo một sức sống mới, bằng cách đưa giáo lý vào trong việc thực hiện nhiệm vụ dân tộc. Cho đến giai đoạn phát triển đất nước hiện nay, những tư tưởng của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn nguyên giá trị.

Sức mạnh để xây dựng và phát triển bền vững đất nước không gì khác chính là sức mạnh của tinh thần đoàn kết và cố kết nhân tâm thông qua triết lí, đạo đức, những điều gần gũi, bình dị của tôn giáo để thu phục, xây dựng lòng người nhất tâm đồng thuận. Tinh thần đó đã được Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông thấu hiểu và áp dụng thành công vào sự nghiệp trị nước, bảo vệ  nền an ninh chính trị nước nhà và giữ gìn tình bang giao giữa các nước láng giềng và Đại Việt.

Ngày Xuân đi lễ Yên Tử cũng là để nhắc nhở mỗi người giáo lý đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, luôn nhớ đến cội nguồn.