Các địa phương nằm về phía Bắc của tỉnh Bình Dương, bao gồm: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên... luôn được biết đến với thế mạnh về nông nghiệp.

Từ lâu, các địa phương nằm về phía Bắc của tỉnh Bình Dương, bao gồm: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên... luôn được biết đến với thế mạnh về nông nghiệp. Nổi bật là các mô hình kinh tế trang trại, các vùng chuyên canh cây có múi với qui mô lớn. Thế nhưng, tiềm năng của địa bàn Bắc Bình Dương không chỉ có vậy. Với quỹ đất rộng lớn, bằng phẳng, nền đất cứng, ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ …được coi là điều kiện thuận lợi để vùng đất này phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ. Tiềm năng này đang dần được đánh thức bởi hàng loạt công trình, dự án đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp đã, đang và sẽ được triển khai tại các địa phương này. Về thăm các huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương vào những ngày giáp xuân Quí Mão 2023 này, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống dào dạt, tươi mới đang tràn ngập trên các công trình, dự án và trong cuộc sống của mỗi người dân nơi đây...

           NHỮNG CÔNG TRÌNH CẤT CÁNH TƯƠNG LAI BẮC BÌNH DƯƠNG

 

Một trong những công trình thể hiện rõ quyết tâm, khát vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phát triển công nghiệp và đô thị cho Bắc Bình Dương phải kể đến là đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, được triển khai thi công vào tháng 10/2021. Tuyến đường này có tổng chiều dài 26,3 km. Trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Phú Giáo dài 17,7 km và qua huyện Bàu Bàng dài 8,6 km. Vận tốc thiết kế 80km/h với 6 làn xe, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng. Trên toàn tuyến đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng có 4 cầu được xây dựng bê tông cốt thép dự ứng lực, tuổi thọ thiết kế 100 năm. Tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.646 tỷ đồng; trong dó, huyện Phú Giáo chiếm gần 1.241 tỷ đồng và huyện Bàu Bàng gần 405 tỷ đồng. Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND, các sở, ngành của tỉnh Bình Dương và 3 địa phương nơi có tuyến đường đi qua, đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng công trình đạt 75%, khối lượng thi công đạt trên 51%. Hiện nay, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc di dời đường ống cung cấp nước sạch và đường dây điện trung thế, làm ảnh hưởng đến kế hoạch và tiến độ thi công công trình. Hiện đơn vị thi công đang tập trung huy động tối đa lực lượng, phương tiện rút ngắn thời gian thi công, bảo đảm chất lượng công trình, khẩn trương hoàn thành công trình trước tháng 12/2023.              

Đây là tuyến giao thông quan trọng, liên kết giữa 3 huyện Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, kết nối giao thông với các trục chính như: ĐT746, ĐT741, ĐT750, ĐH502... nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực. Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ mang đến cho Bắc Bình Dương một diện mạo tươi mới từ cảnh quan đô thị đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển, phồn vinh của tỉnh Bình Dương.

Thực hiện chủ trương đưa công nghiệp về phía Bắc của tỉnh và đưa ngành công nghiệp của tỉnh phát triển lên một tầm cao mới, vào tháng 3/2022, UBND tỉnh Bình Dương đã khởi công xây dựng Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore III, với diện tích 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.407 tỉ đồng tại phường Hội Nghĩa, TX Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên. Với định hướng phát triển theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh, KCN VSIP 3 hứa hẹn sẽ là một KCN hình mẫu trong khu vực về việc áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì lẽ đó, ngay sau lễ khởi công dự án, KCN VSIP 3 đã thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong đó đáng chú ý là dự án có quy mô lên đến hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) trên diện tích 44ha, dự kiến xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên, được cung cấp năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo tại khu công nghiệp.

Thực hiện cam kết luôn đồng hành với nhà đầu tư, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh tại Bình Dương, trước thềm xuân mới 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ khởi công dự án nâ​ng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên đến ngã ba Hội Nghĩa, Thị xã Tân Uyên.

Tuyến đường ĐT.746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa) là trục giao thông quan trọng kết nối huyện Bắc Tân Uyên với các khu vực lân cận. Đây là tuyến đường huyết mạch dẫn vào Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, kết nối đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng với tuyến đường Vành đai 4, TP.HCM. Dự án có chiều dài toàn tuyến 11,4km, phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, có tốc độ 80 Km/h cho các đoạn ngoài đô thị và tốc độ thiết kế 50-60 Km/h cho những đoạn qua đô thị, chiều rộng nền đường 38m bố trí cho 6 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng từ vốn ngân sách. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương về các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải giúp thu hút đầu tư vào Bình Dương nói riêng và cả vùng nói chung.

Kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiên quyết để mở ra khả năng thu hút vốn đầu tư; phát triển các ngành kinh tế chủ chốt, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, với việc đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN cùng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Bình Dương đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có kinh tế phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thu hút đầu tư nước ngoài không ngừng tăng cao qua từng năm. Phát huy những thành quả đạt được, năm 2023, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu ưu tiên đầu tư trọng điểm cho hạ tầng, đô thị, nhất là hệ thống giao thông trọng điểm kết nối vùng. Theo đó, hàng loạt công trình, dự án về hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN sẽ tiếp tục được triển khai thi công như: đường Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP HCM-Thủ Dầu Một- Chơn Thành, cảng An Tây… Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục dịch chuyển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lên phía Bắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Bàu Bàng mở rộng, KCN Cây Trường... Các công trình này sau khi hoàn thành hứa hẹn sẽ đưa kinh tế - xã hội của các địa phương nằm ở phía Bắc tỉnh tiếp tục bứt phá. Qua đó, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại và trở thành một đô thị thông minh, văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình, có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và đất nước./.