Trong trang sử hào hùng của vùng đất chiến khu Đ, suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có hàng trăm trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Trong đó, quân ta đã có trận đánh vô cùng đặc biệt, thể hiện tinh thần mưu trí sáng tạo, quyết đánh, quyết thắng- đó chính là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên cách đây 71 năm. Chiến thắng Tháp canh Cầu Bà Kiên ngày 19/3/1948 đã khai sinh lối đánh đặc công, là tiền đề hình thành binh chủng Đặc công anh hùng.
NƠI KHAI SINH LỐI ĐÁNH ĐẶC CÔNG
Sự kiện chiến thắng Tháp canh Cầu Bà Kiên bắt đầu vào cuối năm 1946 khi Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trên chiến trường miền Đông Nam bộ, Pháp thực hiện chiến thuật Đờ La-tua, xây dựng hàng ngàn đồn bót, tháp canh trên các trục lộ nhằm mục đích cắt đứt giao thông liên lạc đường bộ của lực lượng kháng chiến. Đồng thời, dùng hệ thống tháp canh như một phương tiện lấn chiếm, kiểm soát vùng du kích và căn cứ của ta. Hệ thống tháp canh xây dựng kiên cố với tường dày 0,5-0,8m, cao 8-10m, xung quanh bao bọc bởi luỹ đất dày, hàng rào kẽm gai và chông mìn dày đặc…bố trí cách nhau khoảng 1km. Đan xen hệ thống tháp canh nhỏ có tháp canh lớn do một tiểu đội Pháp đóng giữ, được bố trí hỏa lực mạnh và trang thiết bị phục vụ cho công tác liên lạc, chỉ huy. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định: phá tháp canh, đánh bại chiến thuật Đờ-la-tua là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông, Tỉnh đội Biên Hòa và Ban Chỉ huy Huyện đội Tân Uyên. Để có được chiến thắng Tháp canh Cầu Bà Kiên, đội du kích phải canh nhiều ngày đêm, kiên trì luyện tập, nghiên cứu địa hình tháp canh và hoạt động của địch, chuẩn bị vũ khí chờ thời cơ thích hợp. Đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, dân quân du kích huyện Tân Uyên đã bí mật tiến công tháp canh cầu Bà Kiên, mở đầu cho trận đánh tháp canh tiếp theo. Nhờ luyện tập thuần thục nên việc tiếp cận tháp hoàn toàn bí mật, địch không phát hiện. Lực lượng ta ném lựu đạn vào tháp diệt 10 tên địch, thu 8 súng. Trận đánh đầu tiên vào tháp canh cầu Bà Kiên là một bước ngoặt cho cách đánh mới trên chiến trường lúc bấy giờ, mở ra một hình thức tác chiến mới dựa vào dân. Chiến thắng Tháp canh Cầu Bà Kiên gây tiếng vang lớn, hình thành cách đánh mới-cách đánh bất ngờ, lấy ít thắng nhiều, khai sinh ra lối đánh đặc công của lực lượng ta. Vùng đất Tân Uyên-Chiến khu Đ trở thành nơi khởi phát của cách đánh đặc công, là tiền đề hình thành binh chủng Đặc công anh hùng. Qua kinh nghiệm này, ta có khả năng đánh phá đồn bót của địch ở nhiều nơi trên chiến trường cả nước.
Khu di tích chiến thắng Tháp canh cầu Bà Kiên được xây dựng trên địa bàn khu phố Dư Khánh, phường Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên. Di tích nằm cạnh đầu cầu Bà Kiên, bên đoạn cuối nguồn của Suối Cái đổ ra sông Đồng Nai, trên lộ giới của đường ĐT 747. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng; Đảng bộ, chính quyền thị xã Tân Uyên, nhất là phường Thạnh Phước, luôn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp thực hiện công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát huy tinh thần đoàn kết trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, tiếp tục xây dựng quê hương phát triển.
71 mươi năm đã trôi qua, chiến thắng Tháp canh cầu Bà Kiên mãi là niềm tự hào của quân dân vùng đất chiến khu Đ anh hùng, của đất và người Tân Uyên, là biểu tượng sáng ngời để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ hôm nay cùng nỗ lực ra sức xây dựng địa phương phát triển về mọi mặt trong chặng đường đổi mới.