Hiện nay, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương chỉ còn chiếm tỷ trọng không đến 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, song các loại nông sản chủ lực vẫn ngày càng khẳng định uy tín, vị thế với năng suất và chất lượng vượt trội. Các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có qui mô lớn, áp dụng công nghệ cao được hình thành ngày càng nhiều ở các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp trong điều kiện, hoàn cảnh của một tỉnh công nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát triển công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị cho nông sản Bình Dương, tạo lợi thế cạnh cho ngành nông nghiệp của tỉnh trong quá trình cạnh tranh và hội nhập kinh tế toàn cầu.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH CÔNG NGHIỆP BÌNH DƯƠNG

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đang diễn ra quá trình công nghiệp hóa - Đô thị hóa mạnh mẽ. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc để phát triển nông nghiệp khi có hạ tầng đô thị, giao thông đồng bộ, hiện đại, thị trường tiêu thụ rộng lớn, hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, đặc thù của một tỉnh công nghiệp – đô thị hàng đầu cả nước cũng đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành nông nghiệp Bình Dương. Đó là địa bàn sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, chi phí nhân công, giá đất sản xuất nông nghiệp tăng caovà nhanh, không còn nhiều dư địa… Để đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho thị trường, Bình Dương xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp phù hợp nhất nhằm tận dụng tối đa diện tích sử dụng đất, tăng tối đa chu kỳ sản xuất trong 01 năm, đảm bảo về môi trường, phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh chủ trương từng bước tăng trưởng ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển nhanh phương thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại với phương thức công nghiệp, bán công nghiệp để tạo điều kiện ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Với các chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân có phương án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VIETGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí thực hiện áp dụng VietGAP trong quá trình sản xuất, sơ chế đối với các loại sản phẩm đăng ký... Đến nay, nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản và đã phát huy hiệu quả kinh tế đáng kể. Đơn cử như dây chuyền sản xuất, đóng gói các loại hạt, đồ khô từ sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt của Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Dương Ngọc Anh, ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An. Trước tình trạng giá cả nhiều mặt hàng nông sản thường xuyên biến động, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, thậm chí có thời điểm, nhiều loại nông sản bị ùn ứ, không tiêu thụ được, gây thất thu cho nhà nông, công ty Dương Ngọc Anh đã đầu tư nhà máy sản xuất các loại khô từ thịt gà, heo, bò tươi và sản phẩm ngũ cốc, hạt dinh dưỡng.

Các loại nông sản tươi sau khi được thu mua từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh sẽ được đem về nhà máy trữ lạnh để giữ được độ tươi ngon. Sau đó, nguyên liệu tươi sẽ được nhà máy thực hiện qua các công đoạn sơ chế, xé, tẩm ướp gia vị, sấy khô, đóng gói trước khi đưa đến người tiêu dùng. Với sự hỗ trợ của Chi cục thú y, Chi cục bảo vệ thực vật – Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với việc đầu tư, cải tiến liên tục dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, đến nay công ty đã đạt chứng nhận Iso 22.000:2018, chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các sản phẩm chế biến của doanh nghiệp ngày càng được thị trường đón nhận. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất và tiêu thụ khoảng 10 tấn khô heo, bò và gà. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống.

Có thể khẳng định rằng trong thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương đã được áp dụng khá rộng rãi và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh hiện có hơn 7000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1312 ha cây trồng các loại canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, chủ yếu là các loại cây ăn trái có giá trị cao như: cây có múi, sầu riêng, dưa lưới, chuối...  cùng 580 ha cây trồng áp dụng sản xuất hữu cơ. Để tạo cơ hội cho các loại trái cây đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành nông nghiệp tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung cầu...

Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương xác định chiến lược phát triển là tăng cao tỉ trọng ngành dịch vụ và nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nhằm phát triển cân bằng, bền vững, nhưng công nghiệp vẫn là chủ đạo. Tỉnh giữ vững tầm nhìn về vai trò của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế là phục vụ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hòa nhịp với xu thế xây dựng Thành phố thông minh, hướng tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Dựa vào tiềm lực sẵn có, tỉnh sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao hơn. Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Trọng tâm của định hướng này là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Từ nay đến năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%. Cùng với đó là tập trung chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với mô hình Làng thông minh đang triển khai tại xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên.

Với các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện công nghiệp hóa – đô thị hóa cùng với sự năng động, sáng tạo của người nông dân, chủ trang trại, cơ sở sản xuất chế biến..., ngành nông nghiệp Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, trở thành một trong những vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu cả nước. Hiện nay, trước sự phát triển sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng xây dựng Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương đang tiếp tục được triển khai. Đây là cơ sở và là động lực quan trọng để ngành nông nghiệp Bình Dương tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững./.