Nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Bình Dương, huyện Phú Giáo có quỹ đất nông nghiệp dồi dào, điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện… Đây được coi là những điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu, lao động... cộng với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo đã có bước phát triển vượt bật với các mô hình kinh tế trang trại qui mô, hiệu quả. Hòa cùng xu thế phát triển chung của thế giới, kinh tế nông nghiệp Phú Giáo hiện đang chuyển mình mạnh mẽ sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn; Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và làng thông minh...
PHÚ GIÁO NÂNG TẦM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Đến nay, tổng diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Phú Giáo đạt hơn 38.300 ha. Bên cạnh cây chủ lực là cao su, huyện còn hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung ven sông, suối. Đáng chú ý là các loại cây có múi, với diện tích khoảng 1.600 ha. Thời gian qua, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương, nhiều nông dân, chủ trang trại ở Phú Giáo đã mạnh dạn ứng dụng phương thức canh tác hữu cơ, áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn; xây dựng chứng nhận Vietgap, GlobalGap và đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, huyện Phú Giáo có 34 hộ và trang trại được trao chứng nhận Vietgap; 5 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP đạt hạng sản phẩm 3 sao, 4 sao. Song song đó, Hội nông dân huyện Phú Giáo cũng đã tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu hướng của thị trường. Để hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, việc đăng ký mã số vùng trồng cho nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh ở địa phương cũng được đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, thủ tục đăng ký mã số vùng trồng cho sầu riêng đang được hoàn tất và có 03 sản phẩm là hồ tiêu, cam, bưởi Phú Giáo đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Các hoạt động này đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021 – 2023 tăng bình quân trên 6,94%/năm. Cụ thể giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 75 triệu đồng/ha đất canh tác/ năm. Riêng vùng cây ăn trái nói chung và cây ăn trái ven sông Bé nói riêng có giá trị sản xuất đạt từ 500 triệu đồng trở lên tùy theo thời vụ và sự biến động của giá cả thị trường.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương và tạo nguồn thu nhập cao cho người nông dân, thời gian qua, Phú Giáo đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo mang lại nhiều kết quả tích cực. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín, có lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và phương pháp sản xuất theo quy trình thủy canh đã đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng cây có múi có lắp hệ thống tưới tự động kết hợp với biện pháp phủ bạt xử lý ra hoa trái vụ đã cho năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha và doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng/ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều nông dân, chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng kín, trại lạnh có điều hòa nhiệt độ, hệ thống quạt thông gió và áp dụng theo nguyên tắc “cùng vào - cùng ra” để đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, các trang trại áp dụng tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, sử dụng hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng, hệ thống tiêu độc khử trùng tự động…để góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi. Toàn huyện Phú Giáo hiện có 153 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có đến 145 trại ứng dụng công nghệ cao, gia công cho các công ty như: CP, Emivest, CJ.Vina, Japfa… Việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt sức lực, thời gian cho người lao động; nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí; giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để nên được xem là xu hướng tất yếu cho ngành chăn nuôi hiện nay. Các mô hình này cũng đã góp phần đáng kể tạo nên sự thay đổi cho diện mạo nông thôn Phú Giáo.
Thời gian qua, việc đầu tư phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã được Đại hội Đảng bộ huyện Phú Giáo nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là nhiệm ưu tiên hàng đầu. Bằng nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa, cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường giao thông, điện, trụ sở làm việc, trường học, trạm xá, nước sạch không ngừng được đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 1.000 tỷ đồng. Song song đó, nhiều gia đình hội viên, nông dân đã tự nguyện hiến đất để mở đường, xây dựng các công trình công cộng ở nông thôn, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay huyện đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và đang tiếp tục phấn đấu tiến tới nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Để nâng tầm phát triển ngành nông nghiệp địa phương, Phú Giáo còn tận dụng lợi thế sẵn có là các trang trại, vườn cây ăn trái lớn trên địa bàn huyện, các danh lam, di tích lịch sử để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ và xây dựng nông thôn mới theo định hướng phát triển làng thông minh. Tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của huyện Phú Giáo đang được ví như một nàng công chúa ngủ quên đang chờ được đánh thức và khoát lên mình những bộ áo mới lộng lẫy hơn. Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cương ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quảng bá về hình ảnh du lịch Phú Giáo đến với du khách trong và ngoài huyện; tổ chức khảo sát khu đất phát triển khu du lịch sinh thái suối Rạt thuộc địa bàn xã An Bình và phương án thu hồi đất để đầu tư xây dựng quần thể khu di tích cầu Sông Bé trên địa bàn xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa cũng như tiếp tục nâng cấp toàn diện hệ thống giao thông nông thôn, nghiên cứu hình thành các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa phương, trong đó ưu tiên các địa phương đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao....Đây được xem là những giải pháp quan trọng, tạo đòn bẩy để phát triển du lịch, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, rất nhiều cơ hội mới đang mở ra cho ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua cùng với định hướng nâng tầm phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới chính là tiền đề quan trọng và là động lực to lớn giúp địa phương vượt qua những khó khăn, thử thách để tiếp tục đưa ngành nông nghiệp của huyện tiến lên một tầm cao mới, xứng đáng là “Lá phổi xanh” của tỉnh Bình Dương./.