Vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống chính trị Việt Nam
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử nước ta, có thể thấy sự hình thành và phát triển của kiểm toán nhà nước Việt Nam là không có tiền lệ, không có tổ chức tiền thân trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhưng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế hội nhập, phát triển của cộng đồng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Dấu mốc đầu tiên là ngày 11/7/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/CP về việc thành lập kiểm toán nhà nước. Tiếp đó, ngày 24/01/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/TTg về Điều lệ tổ chức và hoạt động của kiểm toán nhà nước. Đây là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như một tuyên ngôn khai sinh kiểm toán nhà nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Kể từ đó, sự phát triển của kiểm toán nhà nước luôn gắn liền với những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và được ghi dấu bằng những mốc son đậm nét. Ngày 14/6/2005, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI đã thông qua Luật kiểm toán nhà nước, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, mở ra một thời kỳ phát triển mới của kiểm toán nhà nước. Đặc biệt, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, trong đó, Điều 118 quy định về địa vị pháp lý của kiểm toán nhà nước “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, kèm theo đó là những quy định về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu kiểm toán nhà nước. Sự kiện trọng đại này đã nâng tầm kiểm toán nhà nước từ cơ quan được luật định thành cơ quan được hiến định, giúp nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của kiểm toán nhà nước trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Bên cạnh đó, ngày 19/4/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về việc ban hành Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2020. Chiến lược đã xác định giá trị cốt lõi để phát triển kiểm toán nhà nước Việt Nam là “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”. Việc triển khai thực hiện Chiến lược đã góp phần tăng cường mạnh mẽ tính hiệu quả, tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hoạt động của kiểm toán nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.
Triển khai Chiến lược và trên cơ sở Hiến pháp, kiểm toán nhà nước đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật kiểm toán nhà nước và các luật có liên quan. Ngày 24/6/2015, Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của kiểm toán nhà nước.
Song song với những quy định của Hiến pháp và pháp luật, trong rất nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước đã đề cao vai trò của kiểm toán nhà nước trong hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát, cũng như yêu cầu sự vào cuộc của kiểm toán nhà nước nhằm góp phần đảm bảo phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính công, tài sản công một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Điều đó khẳng định, sự hình thành và phát triển kiểm toán nhà nước Việt Nam không chỉ là sự hoàn thiện hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước mà còn là nhu cầu tự thân của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và phù hợp nhu cầu của nhân dân về việc công khai, minh bạch nền tài chính quốc gia.
Chính vì thế, khi đánh giá về vai trò của kiểm toán nhà nước trong hệ thống chính trị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: “Sứ mệnh của kiểm toán nhà nước không chỉ góp phần vào sự minh bạch và bền vững của nền tài chính quốc gia mà còn góp phần bảo vệ và giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị…”.
Trong các chuyến thăm và làm việc với kiểm toán nhà nước của các đồng chí lãnh đạo cấp cao gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều gửi gắm niềm tin và kỳ vọng lớn về vai trò của kiểm toán nhà nước đối với đất nước; khẳng định kiểm toán nhà nước là cơ quan bảo vệ luật pháp, bảo vệ sự liêm chính trong quá trình điều hành, quản lý nền tài chính quốc gia. Đây thực sự là trọng trách nặng nề nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức vẻ vang, vinh quang của kiểm toán nhà nước.
Quá trình phát triển và thành tựu của Kiểm toán Nhà nước trong 24 năm qua
Những ngày đầu thành lập, cơ cấu tổ chức của kiểm toán nhà nước mới chỉ có 5 đơn vị, gồm Văn phòng kiểm toán nhà nước và 4 kiểm toán nhà nước chuyên ngành. Đến nay, tổ chức bộ máy của kiểm toán nhà nước đã phát triển lên 32 đơn vị cấp vụ và tương đương, gồm 8 đơn vị tham mưu, 8 kiểm toán nhà nước chuyên ngành, 13 kiểm toán nhà nước khu vực và 3 đơn vị sự nghiệp.
Song song với việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của kiểm toán nhà nước cũng có sự phát triển vượt bậc. Khi mới thành lập, biên chế của kiểm toán nhà nước chỉ có 60 người. Theo thời gian, đội ngũ của kiểm toán nhà nước liên tục phát triển qua từng năm. Đến nay, kiểm toán nhà nước có hơn 2.100 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 1.500 kiểm toán viên. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều có trình độ tương đối đồng đều, 100% kiểm toán viên có trình độ từ đại học trở lên.
Với hệ thống tổ chức theo mô hình tập trung gọn nhẹ, kiểm toán nhà nước đã nỗ lực phát huy sức mạnh tập thể, tiến từng bước vững chắc, toàn diện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong những năm qua, công tác kiểm toán liên tục ghi nhận những kết quả tích cực trong việc đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức kiểm toán, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán, chú trọng phát triển cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động). Cùng với việc đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán nhà nước không ngừng tăng cường việc xác nhận quyết toán ngân sách các địa phương, ngân sách nhà nước.
Thông qua việc triển khai Kế hoạch kiểm toán hằng năm, kiểm toán nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Theo số liệu tổng hợp Kết quả kiểm toán trong 05 năm qua (2013-2017), kiểm toán nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 195 nghìn tỷ đồng; chuyển hàng chục vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Đồng thời, kiểm toán nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế.
Kết quả kiểm toán của kiểm toán nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin phục vụ Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, quyết định dự toán ngân sách nhà nước; giúp HĐND các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các Bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền và tài sản nhà nước. Các kết luận và kiến nghị kiểm toán của kiểm toán nhà nước đã giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành thấy rõ những bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để có giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập lại các trật tự, kỷ cương trong sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công; phát hiện và ngăn chặn những thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
Cùng với đó, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, đặc biệt trong những năm gần đây, cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng và phổ biến pháp luật, tổ chức cán bộ và đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán... ngày càng gặt hái được nhiều thành công, mang lại kết quả tốt, hỗ trợ đắc lực cho kiểm toán nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
Đặc biệt, với địa vị pháp lý được nâng cao, kiểm toán nhà nước Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín trên trường quốc tế. Năm 2018 sẽ đánh dấu mốc quan trọng khi kiểm toán nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Hiện nay, kiểm toán nhà nước Việt Nam đang là thành viên Ban điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ 2015-2024.
Có thể khẳng định, để đạt được kết quả trên, vai trò của người đứng đầu cơ quan kiểm toán nhà nước rất quan trọng. Trải qua các thời kỳ, người đứng đầu cơ quan kiểm toán nhà nước luôn quán triệt những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng những chỉ đạo, định hướng trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, từ đó có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời để toàn Ngành hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang mà toàn Ngành đã đạt được trong 23 năm qua, kiểm toán nhà nước đang từng bước khẳng định vai trò là công cụ kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công hữu hiệu, có trách nhiệm và uy tín đúng như Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2020 của Ngành đã đề ra, ngày càng xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Ông Đỗ Hồng Công
Tổng Biên tập
Báo Kiểm toán