Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ học viên bỏ trốn khỏi các cơ sở cai nghiện tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy cần phải cấp thiết đổi mới trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị cho học viên cai nghiện.
Tại Tiền Giang, ngày 11/8, khoảng 10 học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm chữa bệnh giáo dục Lao động - Xã hội Tiền Giang xảy ra cự cãi, dùng dao tấn công cán bộ.
Ở Đồng Tháp, ngày 5/9, khoảng 100 học viên cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Tháp gây rối tập thể, tràn ra sân gây náo loạn.
Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện hiện nay.
Hầu hết tại các cơ sở có học viên bỏ trốn đều đang tiếp nhận gấp 3 đến 4 lần mức công năng cho phép. Quá tải, chật chội trong sinh hoạt dẫn đến gây mất trật tự giữa các học viên là điều tất yếu. Trong khi cán bộ làm công tác này còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản để xử lý các tình huống xảy ra.
Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp mới, có những chất ngay lần đầu sử dụng đã có thể dẫn đến hoang tưởng, mất khả năng kiểm soát hành vi. Đơn cử cơ sở này, đến 70% số học viên vào điều trị đang sử dụng ma túy tổng hợp. Điều này gây khó khăn cho các cán bộ trong công tác phân loại học viên.
Để khắc phục tình trạng này, hiện nhiều cơ sở đã chuyển đổi cai nghiện từ bắt buộc sang tự nguyện, đơn giản hóa thủ tục và linh hoạt thời gian để học viên lựa chọn.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội yêu cầu trong tháng 9 này, 105 cơ sở cai nghiện phải có văn bản báo cáo đánh giá thực trạng tình hình của mình. Cùng với đó, Bộ sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra một số cơ sở trọng điểm, trên cơ sở đó tổng hợp và báo cáo Chính phủ trong phiên họp chuyên đề sắp tới.