Sáng 24/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo luật tố cáo sửa đổi.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này gồm 9 chương, 68 điều. Dự thảo Luật đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; sau đó tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về hình thức tố cáo (Điều 22); thời hiệu tố cáo (Điều 27); quy định rút tố cáo (Điều 33); cấp giải quyết tố cáo cuối cùng (Điều 29, 37); bảo vệ người tố cáo (Chương VI) và một số vấn đề cụ thể khác.
Đối với hình thức tố cáo, hiện nay vẫn có ý kiến đề nghị chỉ quy định hai hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác.
Do vậy, dự thảo đang được nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng hình thức tố cáo, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.