Sáng 25/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý ngoại thương.
Theo Dự thảo sửa đổi được cơ quan soạn thảo quy định thì nợ công được hiểu trong Luật này bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương.
Luật Quản lý nợ công đã được QH khóa XII thông qua từ năm 2009, trải qua gần 8 năm thi hành, với sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì việc sửa đổi là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý nhà nước về kế hoạch vay trả nợ công; huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ Chính phủ; quản lý cho vay lại; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ chính quyền địa phương; đảm bảo khả năng trả nợ công; công tác kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công…
Dự thảo Luật Quản lý nợ công lần này đưa ra những nguyên tắc cụ thể trong quản lý nợ công, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Bên cạnh đó Luật cũng đã đề cập đến vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và việc chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nợ công theo quy định của pháp luật.
Dự thảo luật sửa đổi sẽ còn được góp ý tại kỳ họp này và dự kiến thông qua tại kỳ họp sau.
Cũng trong sáng nay, quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý ngoại thương.