Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3 QH khóa 14, sáng 2/6, Dự án Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi được trình ra trước QH. Trong số những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau là quy định về thẩm định công nghệ của dự án đầu tư cũng như gắn với trách nhiệm của các cơ quan liên quan nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐBQH.
Dự thảo Luật với 6 Chương, 59 Điều, bao quát tất cả các vấn đề đặt ra như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động Chuyển giao công nghê; Công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư; Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; Chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.
Các nhóm vấn đề chính gồm: Chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ (viết tắt- CGCN); Đối tượng CGCN; Thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; Đăng ký CGCN; Các biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN và phát triển thị trường công nghệ; Quản lý nhà nước với hoạt động CGCN.
Các ý kiến cơ bản đồng tình và đánh giá cao cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH trong kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, về vấn đề thẩm định công nghệ, theo ý kiến đại biểu, dự thảo Luật còn thiếu nội dung quan trọng là quy định về cơ cấu hội đồng thẩm định và tiêu chuẩn các thành viên hội đồng. Các ý kiến cho rằng, nếu không quy định cụ thể thì hội đồng này chỉ mang tính hình thức, nhất là các hội đồng cấp tỉnh, đồng thời khó quy trách nhiệm cá nhân của thành viên hội đồng.
Có ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ khái niệm thẩm định và đánh giá công nghệ. Hội đồng thẩm định phải dựa vào đánh giá của tư vấn chuyên nghiệp vì đánh giá là một bộ phận của thẩm định, do đó phải chỉ rõ nguồn kinh phí để thuê tư vấn đánh giá. Hơn nữa, nội dung dự thảo Luật - thiên về bảo vệ quyền lợi bên chuyển giao công nghệ, chứ chưa quan tâm đến bên được chuyển giao công nghệ.
Nhìn nhận dự thảo Luật ở tầm vĩ mô, có ý kiến đại biểu cho rằng ban soạn thảo cần đặt ra mục tiêu cụ thể khi xây dựng Luật; Luật cần phục vụ cho Chiến lược phát triển công nghệ của quốc gia, do cần có quy định ưu tiên chuyển giao công nghệ gì, ở ngành nào, nêu rõ phát triển công nghệ là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Nhà nước nên tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ quốc phòng, an ninh; ưu tiên phát triển.
Ngoài những điểm chính đã nêu, các đại biểu còn có những ý kiến đóng góp cụ thể vào từng nội dung dự thảo Luật. Mong muốn Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo bước đột phá cho sự phát triển công nghệ của Việt Nam.