Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội từ kỳ họp trước, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhưng cũng không gây tâm lý e ngại, làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý quy định này theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, được thể hiện tại khoản 1 Điều 18 của dự thảo Luật.
Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp “Ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án”. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần kế thừa nguyên tắc bồi thường như quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành và các luật có liên quan. Theo đó, bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời, bổ sung quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.
Theo chương trình của kỳ họp, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 20/6 tới đây.