Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3 QH khóa 14, sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Dự thảo Luật gồm 8 chương 50 điều, quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi đợt này, cũng như các mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời sự hỗ trợ pháp lý cần thiết cho những người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách.
Góp ý về quy định chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, các đại biểu đề nghị bỏ quy định tổ chức đăng ký trợ giúp pháp lý chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 1 năm liên tục. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị nâng thời gian lên 2 năm, thay vì bỏ quy định đối với vấn đề này.
Đối với các hình thức trợ giúp pháp lý quy định, các đại biểu thống nhất như dự thảo, là giữ nguyên các hình thức trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý hiện hành, bên cạnh 3 hình thức trợ giúp pháp lý cơ bản là “tư vấn pháp luật”, “tham gia tố tụng” và “đại diện ngoài tố tụng”. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, bên cạnh những hình thức nêu trên, thì việc “trợ giúp pháp lý lưu động” thời gian qua rất hiệu quả, vừa góp phần giải quyết thắc mắc của người dân, vừa tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng Dự thảo luật đã không đề cập đến. Do đó, dự thảo Luật nên bổ sung hình thức này.