Sáng 29/5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi);Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Theo tờ trình của chính phủ, Dự thảo luật tố cáo đã tập trung sửa đổi những vấn đề hết sức cơ bản, quan trọng với tổng số 64 điều, trong đó: Giữ nguyên 4 điều, sửa đổi 36 điều và bổ sung 14 điều mới so với Luật Tố cáo năm 2011. Về hình thức tố cáo, Chính phủ cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, thì đối với tố cáo hành chính, dự thảo luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo là: Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Liên quan đến thời hiệu tố cáo, Chính phủ cho rằng, để tạo thuận lợi cho người dân, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, không nên quy định về thời hiệu tố cáo trong dự thảo Luật. Dự án Luật tố cáo sửa đổi sẽ được các ĐBQH cho ý kiến ở tổ vào chiều mai 30/5 và tiếp tục được thảo luận trong phiên họp toàn thể vào ngày 16/6.
Thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại một số điều khoản trong dự thảo luật để đảm bảo các khoản thu, chi thuộc ngân sách phải được dự toán, đặc biệt những điều khoản liên quan đến thanh lý, bán tài sản, điều chuyển tài sản nhà nước. Đồng thời, các đại biểu đã tập vào những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau đó là việc xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai.
Theo chương trình của kỳ họp, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 21/6 của kỳ họp này.