Tiếp tục chương tình kỳ họp thứ 3 QH khóa 14, sáng 20/6 trong phiên họp toàn thể tại hội trường, sau khi biểu quyết thông qua các dự án Luật, QH thảo luận về dự án Luật thủy sản sửa đổi. Đây là dự Luật được trình QH cho ý kiến đầu tại kỳ họp này.
Các ý kiến thảo luận tập trung vào những vấn đề cụ thể như Quy định về thành lập lực lượng kiểm ngư; Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản; Về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…Về quy định thành lập lực lượng kiểm ngư, đại biểu nhất trí với quy định kiểm ngư trung ương và thành lập thêm hệ thống kiểm ngư địa phương tại 28 tỉnh ven biển.
Đối với quy định Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, đại biểu đề nghị cần có chính sách cụ thể, rõ ràng hơn để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhà nước trong chuỗi các hoạt động thủy sản.
Về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đại biểu nhất trí việc không thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, cho rằng, để cơ chế thị trường điều tiết thị trường nhiều hơn là sự can thiệp hành chính của nhà nước nên việc hạn chế thành lập các quỹ là thực sự cần thiết. Tuy nhiên đề nghị cần thể hiện cụ thể thêm các chính sách của Đảng nhà nước để đảm bảo tính khả thi trong việc đầu tư hỗ trợ ngư dân.
Cũng trong sáng nay, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước sửa đổi và Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi. Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước sửa đổi, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường; cơ quan gây thiệt hại; thủ tục giải quyết bồi thường; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức; quản lý nhà nước về công tác bồi thường; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về công tác bồi thường.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi gồm 5 chương và 51 điều quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.