Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, có tính chất phức tạp nên cần được nghiên cứu sâu thêm để giải quyết một cách hợp lý các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Trong đó, cần xem xét quy định về Tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của người đã nghỉ hưu.Ghi nhận tại tổ số 5 đơn vị Tiền Giang, Bình Dương và Hòa Bình
Trong buổi thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào những vấn đề như: phạm vi điều chỉnh của luật, xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo, nguyên nhân của tố cáo. Về phạm vi điều chỉnh của Luật, các đại biểu cho rằng việc đề nghị bổ sung tố cáo giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của các cán bộ công chức đã về hưu là cần thiết, khắc phục hiện tượng “hạ cánh an toàn”. Nếu luật không quy định chặt chẽ sẽ tạo ra những lỗ hổng trong việc xử lý vi phạm của những đối tượng này, đây cũng là vấn đề được cử tri rất quan tâm.
Góp ý vào một số điểm cụ thể trong dự án luật, liên quan đến “quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo” tại điểm e, khoản 1, điều 10, đại biểu đề nghị cần làm rõ vấn đề “công khai xin lỗi trước phương tiện thông tin đại chúng”, cần quy định cụ thể, rõ ràng. Về thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định là 30 ngày, trường hợp đặc biệt là 90, đại biểu Nguyễn Văn Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng thời hạn giải quyết như vậy là quá dài, đề nghị ban soạn thảo rút ngắn.
Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc thêm các trường hợp các cá nhân, tập thể tố cáo để phù hợp với thực tiễn trong thời gian vừa qua. Đại biểu đề nghị không giới hạn hình thức tố cáo, chỉ nên quy định người tố cáo được lựa chọn hình thức tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo cần áp dụng những quy định trách nhiệm của người bảo vệ người tố cáo theo hướng chủ động, cụ thể, rõ ràng hơn.
Tại điều 4, về “nguyên tắc giải quyết tố cáo”, đại biểu cho rằng cần phải thêm nguyên tắc xử lý đối với các tố cáo sai phạm, nhằm bôi nhọ, giảm uy tín của các tổ chức cá nhân khác. Từ nguyên tắc này để đưa ra quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo.
Để làm giảm các thủ tục hành chính trong hoạt động của các tổ chức đúng với tinh thần chính phủ kiến tạo các đại biểu đề nghị cần đưa “tổ chức tố cáo vào trong luật” và xác định rõ quyền của các tổ chức cá nhân trong thực hiện tố cáo.
Nhiều đại biểu cho rằng vẫn nên giữ quy định 02 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhưng có bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại. Do đó nên chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc không xem xét, giải quyết đối với tố cáo mạo danh, nặc danh vì không có cơ sở để xem xét, ràng buộc trách nhiệm của người tố cáo.