Theo chương trình làm việc, ngày 13/6 Quốc hội dành cả ngày tập trung thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Trước đó, vào ngày 31/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Quốc hội cũng đã thảo luận tại tổ dự án Luật này.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng Luật, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng.
Đáng chú ý, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng khu vực nhà nước.
Tuy nhiên, qua thảo luận đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định chặt chẽ hơn, thu hẹp phạm vi thanh tra khu vực ngoài nhà nước, để không gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Về nội dung kê khai tài sản thu nhập, bên cạnh các đối tượng kê khai theo luật hiện hành, một số ý kiến đề nghị mở rộng mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Đặc biệt những nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số vị trí công tác trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ.
Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng.