Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa 14, ngày 9/6, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển k

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa 14, ngày 9/6, Quốc hội dành trọn một ngày để  thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Theo báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017, về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ. Việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đề ra.

Mở đầu phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu cho rằng Chính phủ cần nêu các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, khắc phục hạn chế của cơ chế tự khai, tự nộp thuế.

Về chi NSNN, đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm thắt chặt chi tiêu hành chính, tăng chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cân đối, hài hòa giữa chi thường xuyên và chi phát triển, chi trả nợ vay; quản lý hiệu quả bội chi ngân sách... để nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. 

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, chỉ số tăng trưởng GDP của năm 2016 không đạt kế hoạch đề ra, tuy nhiên, không vì thế mà gây sức ép tăng trưởng quá lớn, bằng mọi giá để rồi bỏ qua các yếu tố an toàn, phát triển bền vững.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp. Cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích công nghệ chế biến nông sản.

Đại biểu mong muốn Chính phủ chấp nhận phá sản, giải thể doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém để phát triển trong tương lai. Tăng cường hiệu quả giải quyết nợ công, xử lý nợ xấu, giảm bội chi ngân sách, giảm chi thường xuyên. Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Chiều 9/6 QH tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội.