Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, chiều nay, các đại biểu làm việc tại hội trường nghe Tờ trình về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Trước đó, trong phiên họp sáng 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Ghi nhận tại tổ Đại biểu quốc hội số 7 gồm các đoàn Bình Dương, Bắc Giang, Phú Thọ thảo luận về nội dung này.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cho rằng tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã có nhiều kết quả khả quan. Tình hình xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản có chuyển biến tích cực. Văn hóa xã hội cũng đạt nhiều kết quả, tính riêng 4 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 500.000 lao động, đưa 40.000 lao động xuất khẩu lao động ở nước ngoài... Điều này thể hiện quyết tâm của các địa phương trong phát triển kinh tế xã hội. Đối với 8 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm được nêu trong báo cáo đã thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, các cấp ủy cơ sở, chính quyền có nhiều đổi mới trong lãnh đạo chỉ đạo cũng như quan tâm tới tính kỷ cương trong quản lý điều hành.
Liên quan đến tinh giản biên chế, ông Bùi Minh Châu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng sự nghiệp xã hội hóa y tế hiện khá tốt, tuy nhiên xã hội hóa trong giáo dục hiện gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê hiện có khoảng 26.000 giáo viên, theo chỉ tiêu giảm 2.600 giáo viên nhưng sẽ gây ra nhiều bất cập, chưa tính đến việc xã hội hóa thực hiện như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương lại bày tỏ băn khoăn với bộ chỉ tiêu đánh giá. Đại biểu cho rằng cần có bộ tiêu chí đánh giá về tăng trưởng kinh tế hàng năm cho tiệm cận với thế giới, từ đó mới đặt ra giải pháp phát triển kinh tế phù hợp.
“Có một điều tôi rất băn khoăn các kỳ trước đặt ra kinh tế tăng trưởng, các chỉ tiêu đặt ra đều tăng nhưng chất lượng tăng trưởng như thế nào, nhất là chất lượng đời sống người dân có tăng trưởng thuận với chỉ tiêu không? Vì nhìn mặt xã hội thì khả quan nhưng đi vào từng khu vực, từng lớp nhân dân thì có những dấu hiệu đáng lo ngại.”
Các đại biểu cho rằng, không thể phủ nhận nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra mà cử tri và Đại biểu Quốc hội phân tích cần được Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn và có giải pháp rốt ráo hơn. Đó chính là tiền đề để nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.