Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3 QH khóa 14, sáng nay, bước vào tuần làm việc thứ 3, QH dành một ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 theo Nghị quyết số 19/2016/QH14.
Báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng ban hành được một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật từ các văn bản Luật của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư liên tịch, Thông tư, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của các Bộ, ngành, các văn bản quản lý của các địa phương về an toàn thực phẩm.
Chất lượng các văn bản về cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, hình thành một hệ thống quy định pháp luật tương đối toàn diện, đầy đủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm đã có bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm tăng lên; hình thành nhiều vùng sản xuất thực phẩm an toàn và cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị. Từ đó, đã đóng góp tích cực vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam; đáp ứng được yêu cầu chất lượng ngày càng cao về an toàn thực phẩm của hơn 160 thị trường nước ngoài, trong đó có các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc….Nhiều loại nông sản như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu...của Việt Nam đã đứng vào tốp đầu trong các nước xuất khẩu trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, báo cáo cũng đánh giá những mặt còn hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó, đáng lưu ý là nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thực sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo, quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị chưa thực sự khoa học và rõ ràng. Công tác quản lý ATTP vẫn bộc lộ nhiều bất cập với nhiều con số đáng báo động. Mỗi năm cả nước sử dụng trên 110.000 tấn thuốc, hóa chất cho chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt chưa được kiểm soát chặt chẽ... ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực phẩm.Việc giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm ATTP còn phổ biến ở các địa phương, nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở này chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, công tác quản lý thị trường còn rất nhiều bất cập, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tràn lan. Việc xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm, mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.
Đồng tình với báo cáo của UB thường vụ QH các đại biểu đề nghị bên cạnh những giải pháp về về cơ chế, chính sách; về tổ chức thực hiện và nguồn lực. Chính phủ cần thiết lập đường dây nóng để các địa phương chủ động kịp thời xử lý nhanh những trường vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chiều 5/6, QH tiếp tục thảo luận về nội dung này.