Ngày 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và thảo luận về nội dung này.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, giai đoạn 2011-2016 đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết doanh nghiệp Nhà nước đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động 33%... Đến cuối 2015, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước đã thoái vốn được gần 10.000 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của đoàn giám sát, tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước cao, từ 1.292.400 tỷ đồng lên 1.628.649 tỷ đồng, tức là tăng 26% so với năm 2011. Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đạt 2,1%, trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 5,5%.
Trong phiên thảo luận các đại biểu đã đề xuất giải pháp để kiện toàn pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước; xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Theo đại biểu, xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất cho các DN cổ phần hóa là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua.
Giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận phương án rà soát quỹ đất, nhu cầu sử dụng đất chưa được xem xét trước khi cổ phần hóa. Đất đai chưa được quản lý, đánh giá giá trị một cách cụ thể, minh bạch.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã giải trình một số vấn đề liên quan đến việc quản lý phần vốn của nhà nước đối với một số doanh nghiệp thuộc chức năng quản lý của Bộ. Bày tỏ đồng tình với nội dung các giải pháp nêu ra trong báo cáo giám sát, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quản lý vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cần làm rõ các nguyên tắc cơ bản để khai thác, sử dụng tốt nguồn vốn đang đầu tư hiệu quả; phân định rạch ròi giữa quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp; nội luật hóa các cam kết quốc tế.
Ý kiến đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có quy định cụ thể về xử lý cổ tức và lợi nhuận của Nhà nước, có phương án xử lý để bảo đảm lợi ích của Nhà nước đối với DN đã thoái vốn, hoặc cổ phần hóa, nhưng không chia cổ tức, hoặc lợi nhuận cho nhà nước. Có trường hợp không công bố rõ hoặc minh bạch thông tin về số liệu cổ tức và lợi nhuận chưa chia khi thoái vốn, cổ phần hóa.