Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trong buổi thảo luận sáng 1/11, nhiều đại biểu khẳng định, để nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững và hội nhập với quốc tế thì Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ phát triển khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng quốc gia.
Các đại biểu cho rằng, đầu tư cho khoa học công nghệ của nước ta thời gian qua chưa đúng với định hướng đã được Bộ Chính trị khóa 6 đặt ra là 2% tổng chi ngân sách hàng năm, trong đó quá nửa là cho bộ máy công lập. Chuyển giao công nghệ kém đang trở thành vật cản cho sự phát triển nền kinh tế, nhất là khi công nghệ cao chi phối nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Ý kiến của đại biểu gợi ý Đầu tư phát triển Logistic là để tận dụng lợi thế bờ biển dài nước ta. Đại biểu cho rằng, mỗi năm hơn 65.000 lượt tàu, thuyền đi qua khu vực biển Đông, tuy nhiên 80% thị phần ngành Logistic của nước ta nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nội địa chỉ đóng vai trò vệ tinh, tự phát trong tổng thể ngành kinh tế trị giá 194 tỉ USD. Cơ sở hạ tầng các cảng nước sâu chưa được khai thác hết trong khi một số cảng lại quá tải.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển tổng thể nền kinh tế tập trung vào công nghiệp, nông nghiệp, hàng hóa dịch vụ, xuất khẩu theo hướng bền vững, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong phần phần giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra về Công nghiệp hỗ trợ, tình trạng buôn lậu và hướng xử lý 12 dự án nhà nước thua lỗ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế mặc dù vẫn có những kết quả nhất định. Bộ trưởng khẳng định, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta còn kém trong các khâu như Công nghệ, Nhân lực, xây dựng chuỗi thị trường khiến cho các cơ chế chính sách không phát huy được hiệu quả.
Với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ở các cửa khẩu được các đại biểu đưa ra trong buổi thảo luận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận có sự buông lỏng quản lý và thiếu phối hợp giữa các lực lượng liên ngành. Bộ trưởng khẳng định vẫn còn những bất cập tồn tại và có sự cấu kết tinh vi, quy mô liên tỉnh, xuyên quốc gia để buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, thời gian tới cần làm 3 nhiệm vụ: một là tăng cường phối hợp các lực lượng liên ngành phát huy trách nhiệm từng lực lượng; hai là tiếp tục hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, thể chế, nhất là chế tài xử phạt; ba là nâng cao phẩm chất của các lực lượng chuyên ngành như quản lý thị trường.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định, thiếu sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, kéo theo đó là đời sống người nông dân vẫn còn bấp bênh, vấn đề đặt ra lúc này là ngành nông nghiệp cần có những chính sách phát triển như thế nào?
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết chưa bao giờ chúng ta được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, nhân dân đối với nông nghiệp như giai đoạn này. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường được coi là nguyên tắc cơ bản để thích ứng khi xây dựng các ngành hàng chủ lực tạo đà cho ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh việc thiếu, yếu về xây dựng chuỗi liên kết- chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, thủ tục xuất khẩu vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn, cản trở hoạt động và phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt đối với mặt hàng tạm nhập tái xuất, vẫn còn tình trạng để lọt thực phẩm bẩn, nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng và cần phải có những chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Để nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, bắt kịp với tiến trình hội nhập quốc tế, theo ý kiến nhiều đại biểu bên cạnh việc những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thì rất cần có vai trò thúc đẩy từ phía nhà nước trong việc đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế.