Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ luôn là vấn đề then chốt trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để làm được điều này, cùng với những chính sách chăm lo vật chất tinh thần cụ thể, các doanh nghiệp cần phát huy tính dân chủ tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội thể hiện mình, trở thành chủ thể quan trọng trong xây dựng và phát triển của doanh nghiệp nói chung.
Từng là một trong những lĩnh vực “nóng” về mâu thuẫn trong quan hệ lao động, chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các cuộc tranh chấp lao động – đình công ở địa phương. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp sản xuất da giày ở Bình Dương đã có những thay đổi tích cực, tình trạng tranh chấp lao động ở các doanh nghiệp ngày càng giảm. Thông qua các chương trình hành động thiết thực từ phía hiệp hội Da giày, các doanh nghiệp đã nhận thức một cách đầy đủ hơn trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại nơi làm việc. Trong đó, với việc phát huy quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại tại nơi làm việc đã tạo sự gắn kết và cảm thông giữa các bên trong quan hệ lao động.
Xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong xu thế hội nhập diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết đối với Bình Dương và các địa phương trong cả nước. Bởi một khi các cam kết từ các Hiệp định thương mại được thực thi, thực hiện chính sách lao động tự do, thì quan hệ lao động cũng có nhiều tác động, đòi hỏi phải có sự cải thiện, thể hiện rõ nét trách nhiệm xã hội trong từng doanh nghiệp. Đặc biệt, với xu hướng giảm dần vai trò chi phối về mặt quản lý nhà nước, tăng tính tự chủ cho các bên liên quan trong thực hiện chính sách lao động, doanh nghiệp và người lao động sẽ có “vị thế mới” khi bước vào “sân chơi” của thị trường hội nhập.
Vấn đề dân chủ và phát huy quyền làm chủ của người lao động luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Do đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dân chủ và quy chế thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp. Qua đó, tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động nắm vững nội dung, yêu cầu của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, góp phần đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và sử dụng lao động ngày càng bền chặt, tốt đẹp hơn.