Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158 trước đây về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo và chính thức có hiệu lực từ ngày 5/5/2017.

Mặc dù quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo có hiệu lực từ lâu và các cơ quan chức năng, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra xử lý; tuy nhiên,  thực trạng vi phạm về quảng cáo, rao vặt trái phép vẫn còn thường xuyên diễn ra. Trước tình trạng đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158 trước đây về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo và chính thức có hiệu lực từ ngày 5/5/2017.

Qua khảo sát tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là các tuyến đường trọng điểm, các giao lộ, đường nội ô thành phố, các thị xã, thị trấn… tình trạng treo, đặt bảng quảng cáo, rao vặt… vẫn còn diễn ra khá rầm rộ với muôn ngàn kiểu cách, hình thức như: Dán tờ rơi trên các bức tường, hàng rào, cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông; thậm chí trực tiếp phát tờ rơi tại các giao lộ ngã tư, ngã ba… gây nên cảnh bát nháo, mất mỹ quan đô thị và mất ATGT.

Từ năm 2016 đến nay, thanh tra Sở VHTT&DL Bình Dương đã tổ chức hàng trăm đợt thanh kiểm tra; qua đó phát hiện và xử lý vi phạm trên 20 trường hợp với tổng số tiền gần 60 triệu đồng. Con số trên vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo rao vặt trái phép ở địa phương. Nguyên nhân một phần là do ý thức của người dân, doanh nghiệp còn thấp; mức phạt theo Nghị định 158 trước đây chưa đủ mức răn đe; việc bắt quả tang người vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù người có sản phẩm quảng cáo đã ghi tên, số điện thoại cụ thể trên tờ rơi quảng cáo, rao vặt…

Nghị định 28 của Chính phủ ban hành, đã xác định rõ hơn hành vi vi phạm; thẩm quyền xử phạt và mở rộng hơn trong lĩnh vực quảng cáo; đặc biệt là mức xử phạt cũng cao hơn so với Nghị định 158. Cụ thể, nếu như các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo trước đây có mức phạt cao nhất chỉ đến 2 triệu đồng; thì nay, với các hành vi vi phạm này sẽ được chia ra từng mức khác nhau như: Treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng… sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng; các hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 đến 500 ngàn đồng. Đặc biệt, đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo sai quy định cũng sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, đồng thời buộc tháo dỡ hoặc xóa các mẫu quảng cáo trái phép… Hy vọng, đây sẽ là cơ sở để các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh xử lý triệt để tình trạng quảng cáo, rao vặt sai quy định; góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.