Trong bối cảnh tình hình lao động vẫn còn khó khăn, thì nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp là thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao. Điều này góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động một cách hiệu quả. Nhưng thói quen làm việc theo tác phong nông nghiệp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất làm việc, nên đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người lao động trong quá trình làm việc.
Có thể nói, chiếm đa số lao động tại các khu cụm công nghiệp ở Bình Dương hiện nay là thành phần lao động phổ thông, làm công việc giản đơn tại các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đông lao động, như: may mặc, da giày hay ngành gỗ… Mặc dù, không thể phủ nhận vai trò của lao động phổ thông trong quá trình phát triển kinh tế của doanh nghiệp, của địa phương. Tuy nhiên, với những hạn chế trong nhận thức, trình độ chuyên môn từ chính nguồn lực này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình phát triển công nghiệp. Ngoài việc dễ phát sinh tranh chấp trong quan hệ lao động, “bài toán” giải quyết biến động lao động, luôn là vấn đề “đau đầu” nhất đối với các doanh nghiệp.
Trình độ học vấn thấp, khả năng tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến tính tích cực và tác phong làm việc của công nhân chưa cao. Hơn nữa, khi chuyển tiếp sang môi trường làm việc với cường độ cao, giờ giấc nghiêm ngặt… càng khiến cho nhiều lao động mang tâm lý chán nản và từ bỏ công việc mới.
Trước tình trạng này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận tạo điều kiện cho công nhân thích ứng và quen dần với công việc, thông qua các hoạt động vận động tuyên truyền, đối thoại trong quá trình làm việc công nhân tự điều chỉnh những hạn chế cuả mình và rèn luyện tác phong công nghiệp ngày một cao hơn.
Cùng với yêu cầu về năng lực chuyên môn, người lao động cần xác định và ý thức rõ trách nhiệm của bản thân với công việc, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của nền công nghiệp 4.0. Để làm được điều này, trước tiên người lao động cần phải được rèn luyện, nâng cao tác phong công nghiệp trong làm việc. Cùng với vai trò tác động trực tiếp từ các doanh nghiệp, thì các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể cần có sự phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền giúp người lao động có được nhận thức sâu sắc hơn về môi trường làm việc mới, để có sự điều chỉnh và khả năng thích ứng công việc cao, tạo cho người lao động và doanh nghiệp có thể an tâm hợp tác làm việc ổn định và lâu dài.