Bệnh tay chân miệng trẻ em rất phổ biến và dễ lây lan. Bệnh có khả năng tự hết sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh tay chân miệng trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Hiện nay, tại Bình Dương, mặc dù học sinh vẫn còn nghĩ hè, nguy cơ lây bệnh trong trường học ít nhiều giảm bớt, tuy nhiên trong cộng đồng, số ca mắc vẫn tăng cao.
SỐ CA MẮC TAY CHÂN MIỆNG LẠI TIẾP TỤC TĂNG CAO
Bệnh tay chân miệng do virus cấp tính Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh tay chân miệng trẻ em có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm, tuy nhiên, từ giữa năm trở đi, số ca trẻ em nhiễm tay chân miệng có xu hướng tăng rõ rệt. Trẻ mắc tay chân miệng ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, bỏ ăn... Tuy nhiên, các triệu chứng này lại dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay bệnh thủy đậu, vì vậy nhiều phụ huynh rất dễ nhầm lẫn.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ bị Tay chân miệng sẽ có các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, nướu… gây đau đớn mỗi khi nuốt. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý để không bị nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc cơ quan sinh dục ở trẻ.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.188 ca mắc Tay chân miệng, (tăng khoảng 39% so với cùng kỳ năm trước), chưa có ca tử vong. Những địa phương có ca bệnh tập trung nhiều, như: TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên... Đây là những địa phương tập trung đông công nhân lao động và rất nhiều con em của họ theo học trong những nhóm nhà trẻ có điều kiện vệ sinh chưa tốt. Đó chính là môi trường thuận lợi để bệnh Tay chân miệng xuất hiện, lây lan từ trẻ này sang trẻ khác.
Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, Sở Y tế Bình Dương đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các hoạt động liên quan, tăng cường công tác khám, phân loại, điều trị; nhằm khắc phục tình trạng quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm nguy cơ dẫn đến tử vong.
Chương trình thời sự tổng hợp 11 giờ 30 ngày 19/7:
http://btv.org.vn/video/chuong-trinh-11-gio-30-ngay-19-7-2019-40550.html