Bộ môn đờn ca tài tử Nam bộ được Unesco công nhân là di sản văn hóa phi vật thể là một niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam. Những nỗ lực quảng bá một bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc ra thế giới đã được ghi nhận.
Đây là 1 trong số gần 100 câu lạc bộ đờn ca tài tử tại Bình Dương. Như một điểm hẹn, các hội viên cùng sinh hoạt, thể hiện tình yêu âm nhạc dân tộc qua cung đàn giọng hát. Nơi biễu diễn của các nghệ sĩ quần chúng này khá đa dạng, có khi là quán cà phê, khi là công viên, bờ sông, khi là đình chùa miếu mạo, có khi chỉ là khuôn viên chật hẹp tại nhà một hội viên nào đó...miễn có thể đàn hát với nhau là được. Gác hết những ưu tư, lo lắng của cuộc sống thường nhật, tiếng ca khi được cất lên từ trái tim đam mê âm nhạc đã tìm được sự đồng cảm của người mộ điệu.
Người cao niên nhiều, các bạn trẻ cũng không ít, ngành nghề khác nhau, đủ các thành phần, giới tính, độ tuổi, từ lao động phổ thông đến công nhân viên chức, nhưng quý hơn cả là có chung niềm đam mê cháy bỏng dành cho bộ môn đờn ca tài tử.
Tuy không được đào tạo bài bản trong trường lớp nhưng các nghệ sĩ quần chúng này luôn tự học hỏi, trau dồi rất công phu, học từ chữ nhẫn, chữ chuyên, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và phải tạo cho mình một phong cách biểu diễn riêng. Muốn ca cho hay , diễn cho giỏi người nghệ sĩ phải luyện tập thường xuyên, học hỏi nghiêm túc từ các thế hệ tiền bối hoặc bạn bè trong nghề .
Sinh hoạt đông vui, phong phú của các câu lạc bộ đờn ca tài tử Nam bộ chứng tỏ sức sống của bộ môn này chưa bao giờ mất sức hấp dẫn, chưa bao giờ thôi mất người mộ điệu.
Tháng 4/2017, Bình Dương sẽ tổ chức Festival đờn ca tài từ toàn quốc lần thứ 2.Đây là một cơ hội vàng để các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc nói chung có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, tôn vinh và trao truyền ngọn lửa đam mê đờn ca tài tử cho các thế hệ trẻ.