Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14, một nội dung quan trọng sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến là Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung. Với nhiều điểm mới, Dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này được cơ quan soạn thảo kỳ vọng sẽ là “chìa khóa”giúp thực hiện thành công việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Luật Giáo dục đại học hiện hành được Quốc hội khoá 13 thông qua vào giữa tháng 6.2012. Sau 5 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Điển hình như: Luật chưa quy định rõ về quyền tự chủ đại học và quản trị đại học; Các quy định về tài chính, tài sản chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học; Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục đại học còn bị hạn chế; Quản lý đào tạo còn chưa phù hợp với xu hướng quốc tế; Quản lý nhà nước còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện tự chủ đại học… Những hạn chế trên gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo mục tiêu mà Bộ giáo dục-đào tạo, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đặt ra.
Có thể thấy, bên cạnh những tác động tích cực, Luật Giáo dục đại học năm 2012 chưa thể tạo nên sự bứt phá cho các trường trong đào tạo, phát triển. Điều này cũng dễ hiểu, bởi sau thời điểm Luật được ban hành, hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước mới ra đời, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Luật. Cùng với đó, những nội dung mới đặt ra trong Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng ban hành cuối năm 2013 về “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; cộng thêm đòi hỏi cấp bách từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tất cả đặt ra cho giáo dục đại học những thay đổi mới, để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Dự kiến, ngày 29.5, Dự thảo Luật GDĐH được trình lấy ý kiến đại biểu Quốc hội khoá 14. Dự thảo lần này đề xuất sửa đổi 39/73 điều, chiếm 53% tổng số điều của Luật GDĐH năm 2012 và bổ sung 2 điều, tập trung vào bốn nhóm chính sách lớn gồm: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; Đổi mới quản trị đại học; Đổi mới quản lý đào tạo; Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học. Đây là một trong những Dự luật có tác động xã hội rất lớn, ảnh hưởng tới mọi gia đình có con em đi học và hàng triệu cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục. Đồng thời, ảnh hưởng toàn diện, lâu dài tới sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong những năm tới.