Không thể phủ nhận những tiện ích của túi ni lông trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên, thói quen này đã vô tình gây hại đến sức khỏe con người và môi trường sống. Chính vì vậy, loại bỏ túi ni lông là một việc làm hết sức cần thiết.
Nếu như trước đây, người đi chợ thường xách theo những chiếc giỏ nhựa để đựng thực phẩm, rau xanh, trái cây... thì hiện nay gần như hình ảnh này rất hiếm. Thay thế chiếc giỏ nhựa là những chiếc túi ni lông đủ mọi kích cỡ, màu sắc. Mua gì, ít hay nhiều người ta cũng cho vào túi ni lông ...Từ đồ ăn chế biến sẵn đến những thực phẩm tươi sống; mỗi loại thực phẩm đựng trong một túi ni lông riêng.
Điển hình như hàng thịt này, mỗi ngày nếu bán đắt, chị tiểu thương có thể tiêu thụ hết 1 kg túi ni lông với chi phí khoảng 40.000 đồng. Vấn đề không nằm ở khoảng chi phí này, mà với cách tính đơn giản, thì mỗi tháng chị phải tiêu thụ từ 30 đến 40kg túi ni lông.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hầu như người tiêu dùng đều biết về tác hại của túi ni lông, nhưng do việc sử dụng túi ni lông rất tiện và đã trở nên quá phố biến, rất khó bỏ. Ngay cả khi dùng giỏ đi chợ, tuy có bớt được vài chiếc túi, nhiều người vẫn phải dùng túi lông để phân loại thực phẩm chín và sống, chứ không thể bỏ hoàn toàn.
Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra môi trường đứng thứ 4 trên thế giới. Khối lượng rác thải nhựa dao động khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm. Riêng tại tỉnh Bình Dương mỗi ngày phát sinh khoảng 1.600 tấn rác thải đô thị, trong đó lượng chất thải nhựa, ni lông chiếm khoảng 200 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ nhựa được thu gom tái chế mới chỉ khoảng 8% tổng lượng chất thải nhựa phát sinh. Còn đối với túi nilông, hiện nay tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, thói quen sử dụng loại túi không thân thiện với môi trường này vẫn còn rất phổ biến.
Việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân không thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai, mà cần phải có thời gian lâu dài. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ngay từ bây giờ, mỗi người dân nên tự giác hạn chế, tiến tới loại bỏ thói quen sử dụng túi nilông, để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ môi trường sống.