Tai nạn lao động, dễ dàng xảy ra bất cứ lúc nào nếu như không cẩn thận trong quá trình lao động. Người bị tai nạn lao động không chỉ bị tổn hại về tính mệnh, sức khỏe, khả năng lao động, khả năng tài chính, mà còn là nổi đau mất mát cho gia đình. Đáng tiếc là nỗi đau đó cứ liên tục xảy ra qua từng năm.
Đã 13 năm nay, anh Trương Hoàng Tuấn, ngụ ở phường Hiệp An, Tp.TDM phải ở trong hòan cảnh như thế này. Anh đã bị liệt 2 chân do chấn thương cột sống, từ 1 tai nạn bị khoảng 2 tấn palet gỗ đè lên người do bất cẩn trong khi chất hàng. Về phía công ty Thành Thái, đóng tại phường Tương Bình Hiệp, ngoại trừ phần hỗ trợ tiền viện phí, đến nay vẫn chưa có một động thái nào hỗ trợ. Do là trụ cột gia đình, nên những năm đầu, cuộc sống gia đình anh luôn lâm vào cảnh khó khăn.
Nhờ những nỗ lực, tiếp sức của gia đình, anh Tuấn dần trở lại cuộc sống thường nhật. Còn đối với nhiều gia đình, tai nạn lao động không chỉ cướp đi sinh mạng của người thân, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng, khiến nhiều gia đình tan nát, sống lay lắt suốt cả cuộc đời.
Do đặc thù phát triển công nghiệp nhanh, hàng năm, dù có nhiều cố gắng, song ở Bình Dương số vụ tai nạn lao động, cháy, nổ, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 436 vụ tai nạn lao động làm 451 người bị nạn, trong đó có 55 vụ tai nạn chết người, làm chết 57 người đang lao động ở các ngành xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ...
Trước những thực trạng về an toàn, vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp như hiện nay, có thể khẳng định, công tác tuyên truyền hay thanh tra, kiểm tra chỉ là những giải pháp tình thế. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, điều quan trọng là cả người lao động và người sử dụng lao động cần “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Chỉ có nhận thức được nâng cao, rủi ro mới có thể giảm dần.