Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên người, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện tăng cường phòng, chống và điều trị bệnh. Đặc biệt, đối với hệ thống các trường học, cần hết sức tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh, phòng bệnh, phát hiện sớm để đề phòng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, zika… bùng phát thành dịch.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế liên quan rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn; tiến hành kiểm tra, rà soát để bảo đảm các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế sẵn sàng cho công tác phòng, chống và điều trị bệnh tay chân miệng. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế chỉ đạo thực hiện tốt việc thu dung, điều trị người bệnh theo Quyết định số 1003 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, tổ chức tốt công tác phân tuyến điều trị, lọc bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú. Đặc biệt, Sở y tế đã chỉ đạo triển khai tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh; thực hiện công tác tổng vệ sinh môi trường ở các địa bàn có nguy cơ cao như Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một…
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trên người nói chung, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh. Riêng ngành giáo dục đã chỉ đạo tuyên truyền thường xuyên và liên tục trong các cuộc họp với hiệu trưởng các trường học. Đồng thời, có văn bản cụ thể về công tác phòng, chống dịch bệnh gửi tới các trường.
Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tay chân miệng, trước đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị ngành GD-ĐT các địa phương chủ động phối hợp với ngành y tế và cơ quan liên quan tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tại địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, zika ..tại các trường học, đặc biệt tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình.