Hôm nay, kỷ niệm 39 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18.4.1980-18.4.2019). Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật. Qua đó, giúp các đối tượng vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định mình và có những đóng góp tích cực cho xã hội.
TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ NGƯỜI KHUYẾT TẬT
VƯƠN LÊN TRONG CUỘC SỐNG
Tỉnh Bình Dương có trên 15.000 người khuyết tật. Thời gian qua, Bình Dương đã tham gia tích cực vào các hoạt động vì người khuyết tật, bảo vệ quyền của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên ở khu vực Đông Nam Bộ xây dựng kế hoạch thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về người khuyết tật. Hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho người khuyết tật ngày càng hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, nhất là về vốn, dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Thông qua các hoạt động, chương trình đã tạo sự chuyển biến, nhận thức tích cực của cộng đồng về người khuyết tật; không chỉ xem người khuyết tật là những đối tượng không may mắn cần được sự trợ giúp, mà quan trọng hơn là xác định những quyền của người khuyết tật để tạo điều kiện và đảm bảo cho người khuyết tật vươn lên, tự khẳng định mình.
Để người khuyết tật phát huy năng lực của bản thân, cơ chế dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật ngày càng hoàn thiện, phù hợp với khả năng của người khuyết tật, bảo đảm quyền của người khuyết tật trong lao động, việc làm. Hiện nay, Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Bình Dương đang đào tạo miễn phí 7 nghề cho người khuyết tật như: in lụa, điện tử, điện cơ, tin học đồ họa, may, dệt và cắt uốn tóc. Các nghề được đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội để người khuyết tật có thể làm việc nuôi sống bản thân.
Tỉnh Bình Dương triển khai đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm lo đời sống người khuyết tật, thực hiện quyền của người khuyết tật đã thực sự tạo điều kiện để những người yếu thế trong xã hội “không ai bị bỏ lại phía sau”. Sự chăm lo này tiếp thêm động lực giúp người khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống và tự hào có những đóng góp bằng khả năng của chính mình cho cộng đồng xã hội trong sự phát triển chung.