Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, cứ vào dịp cuối năm, mỗi gia đình, con cháu đều đi tảo mộ, vun vén, tu bổ những phần mộ của người đã khuất trong gia đình và tổ tiên nhiều đời trước. Tảo mộ trước ngày xuân đã thành nét đẹp truyền trống từ xưa đến nay của người Việt.
Tục tảo mộ thường diễn ra vào những ngày cuối năm Âm lịch. Dù đang sinh sống, làm việc ở nơi đâu thì trong những ngày đặc biệt này, với tục lệ vốn từ lâu đã trở thành truyền thống, thế hệ con cháu đi làm ăn ở xa đều sắp xếp về quê, tề tựu đông đủ để kịp cùng gia đình, dòng họ tiến hành tảo mộ, thành kính thờ phụng tổ tiên. Ngay từ sáng sớm, các đoàn người đã mang nước, mang chổi đến dọn dẹp phần mộ của ông bà tại các phần mộ, nghĩa trang. Bởi tảo mộ đầu xuân đã là truyền thống của người Việt, và cũng là dịp để con cháu thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.
Tại các nghĩa trang, đi tảo mộ, không chỉ có người lớn, mà còn có trẻ em. Đây không chỉ đơn giản là sửa sang lại nơi an nghỉ của người đã khuất, mà còn chứa đựng những giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa tín ngưỡng của nhân dân ta. Tảo mộ trước Tết là việc làm thể hiện tình cảm, sự tri ân của các thế hệ con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc làm này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong gia đình, họ tộc để xây dựng gia đình, quê hương đất nước ngày càng phát triển bền vững, đồng thời giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.
Tảo mộ mỗi dịp Tết đến, xuân về là một việc làm hết sức ý nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đó là một thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và tương lai, của tổ tiên gửi đến con cháu những giá trị đạo nghĩa làm người, tạo nên nếp nhà, gia phong. Đó cũng là thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.