Cách mạng mùa thu Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Mùa Thu tháng 8 cách đây 73 năm, sáng ngày 25/8, tại quảng trường trước nhà việc làng Phú Cường, đã diễn ra cuộc mitting và tuần hành chào mừng chính quyền Cách mạng và thành công cuả cuộc tổng khởi nghiã trong tỉnh.
Quán triệt Nghị Quyết khởi nghiã của Xứ ủy về Tổng khởi nghĩa toàn Nam Kỳ, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một quyết định tổ chức khởi nghiã giành chính quyền. Ngày 21-8 và 23-8, tỉnh uỷ mở hai hội nghị mở rộng để quán triệt chủ trương khởi nghĩa và Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập do đồng chí Văn Công Khai làm trưởng ban. Hội nghị quyết định tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh vào ngày 25-8 bằng cách tập trung đông đảo quần chúng, thanh niên tiền phong bán vũ trang và đội tự vệ của 4 quận tham gia. Hội nghị khẳng định, dù khó khăn thế nào, cũng phải khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, coi đó là nguyên tắc cao nhất của cách mạng.
Với sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Tỉnh ủy và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, nhân dân các quận đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền từ các thị trấn. Tại thị xã tỉnh lỵ, nhà việc làng Phú Cường – Tòa thị chính quận Châu Thành đã nhanh chóng thuộc về tay nhân dân và trở thành trung tâm lãnh đạo Tổng khởi nghiã cuả tỉnh Thủ Dầu Một.
Tấm ảnh nhà việc của làng Phú Cường đã gợi cho ông Nguyễn Ngô Giang biết bao kỷ niệm. Rạng sáng ngày 25. 08 .1945, ông đã cùng các thanh niên xã An Điền đến đây từ rất sớm, để tham gia mitting ủng hộ Mặt trận Việt Minh:
7 giờ sáng ngày 25/8, tại Quảng trường trước nhà việc làng Phú Cường, một cuộc mittinh và tuần hành trọng thể cuả hơn 5 vạn đồng bào trong tỉnh đã diễn ra, chào mừng chính quyền Cách Mạng và thành công cuả cuộc tổng khởi nghiã trong tỉnh. Đồng chí Văn Công Khai - Bí thư tỉnh ủy, kiêm trưởng Ban khởi nghĩa tỉnh Thủ Dầu Một - đã đọc diễn văn, kêu gọi đồng bào trong tỉnh cùng lực lượng bán vũ trang, “Đứng lên giành chính quyền” về tay nhân dân.
Mùa thu tháng tám hàng năm kể từ mùa thu lịch sử 1945, những địa chỉ đỏ in dấu son của những ngày sục sôi khí thế Cách mạng tháng 8 được nhiều người tìm về. Về địa chỉ đỏ Phú Cường, vẫn còn đây dấu tích của 73 năm về trước. Tự hào với những năm tháng quật cường và tinh thần bất diệt của cuộc Cách mạng mùa thu tháng Tám, Phú Cường không ngừng ra sức dựng xây phát triển quê hương. Kinh tế địa phương không ngừng tăng trưởng, tốc độ đô thị hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển nhanh. Đi đi giữa lòng đô thị Phú Cường hôm nay, xen lẫn giữa các công trình xây dựng mới hiện đại, vẫn còn đây những di sản văn hóa mang dấu ấn của vùng đất Thủ Dầu Một xưa như: Đình Thần Phú Cường, chùa Hội Khánh – nơi cụ phó bảng Nguyễn Sinh sắc - thân sinh của Bác Hồ đã từng ở và hoạt động Cách Mạng. Trường mỹ thuật Bình Dương, ngôi nhà cổ Trần Công Vàng, đặc biệt chợ Thủ – một trong những ngôi chợ buôn bán sầm uất của huyện Bình An thời triều Nguyễn. Sự hòa quyện của 1 đô thị hiện đại với những nét văn hóa truyền thống trên bước đường đổi mới, Phú Cường vẫn luôn có sức hấp dẫn rất riêng biệt của vùng đất Thủ Dầu Một – Bình Dương.