Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và khởi xướng, Bình Dương đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Vì vậy với việc Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF và Hiệp hội đô thị khoa học thế giới WTA công nhận là thành viên sẽ là động lực quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng về kinh tế của Bình Dương trong thời gian tới.
Năng động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ và cách làm, tạo đột phá để phát triển, đã đưa Bình Dương từ tỉnh thuần nông thành tỉnh công nghiệp phát triển, là điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến nay, công nghiệp và dịch vụ của tỉnh chiếm trên 97% trong cơ cấu kinh tế. Toàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 14 ngàn ha. Đến nay toàn tỉnh có 35.326 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn: 283.533 tỷ đồng và có 3.459 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 31 tỷ 630 triệu đô la Mỹ. Hàng năm về giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đã chiếm trên 10% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Kinh tế của tỉnh đã từng bước chuyển dịch đúng định hướng, với các ngành công nghiệp mũi nhọn gồm cơ khí, da giày, may mặc, gỗ, chế biến thực phẩm, dược phẩm… Bên cạnh đó, ngành dịch vụ chất lượng cao từng bước hình thành và phát triển mạnh như logictics, tài chính, ngân hàng, trung tâm thương mại.
Việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế đã trở thành yêu cầu mang tính trọng tâm hiện nay của Bình Dương. Vì vậy tỉnh đã xây dựng các mô hình liên kết với các doanh nghiệp và địa phương của nhiều nước nhằm triển khai các mô hình phát triển đột phá, gắn với việc định hướng xây dựng thành phố thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng để Bình Dương khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Trong đó tỉnh đang tập trung chú trọng vào quy hoạch, xây dựng định hướng phát triển kinh tế là ưu tiên phát triển ngành dịch vụ và ngành công nghiệp chất lượng cao. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Chú trọng vào phát huy nguồn lực con người vào xây dựng thành phố thông minh, gắn với nâng cao chất lượng về tăng trưởng kinh tế.
Xây dựng thành phố thông minh đã và đang trở thành mục tiêu và động lực để Bình Dương huy động các nguồn lực từ trong và ngoài nước triển khai thực hiện. Trong đó bên cạnh quyết tâm chính trị, tỉnh Bình Dương đã và đang rất cần sự tham gia của cộng đồng các doanh nghiệp, đối với quá trình chuyển dịch về cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững hơn.