Chiều 25/5 tại tổ 18 gồm các đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương, Tiền Giang và Quảng Ninh, các đại biểu thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Tại tổ, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề: Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kết quả thực hiện NSNN năm 2016 những điểm mới, những vấn để nổi lên so với báo cáo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2016, tập trung vào việc đánh giá nguồn tăng thu; tình hình nợ đọng thuế; tiến độ giải ngân các nguồn vốn; Đánh giá tình hình cân đối NSNN năm 2016, tập trung vào nợ công, bội chi NSNN; Về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2017: Những mặt thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra cho tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội; Những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm để hoàn thành kế hoạch phát triên kinh tế xã hội năm 2017. Về tình hình phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2017, kết quả thu chi NSNN những tháng đầu năm 2017 và giải pháp từ nay đến cuối năm.
Các đại biểu đồng ý báo cáo thẩm tra của ủy ban Kinh tế và những giải pháp quyết liệt Chính phủ đưa ra, tuy nhiên vẫn cần tính toán và chủ động hơn nữa. Đặc biệt cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ trong giải cứu nông sản; trong ứng phó với biến đổi khí hậu thì đầu tiên phải xử lí những hành vi của con người tác động xấu đến thiên nhiên; phải có chính sách hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Trong vấn để tăng trưởng kinh tế hiện nay, các ý kiến cho rằng nút thắt lớn nhất chủ yếu vẫn là do tăng trưởng không tốt từ khu vực sản xuất, đặc biệt là chế biến, chế tạo. Trong quý I, hầu hết các ngành công nghiệp suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng. Giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào một số ít tập đoàn đa quốc gia. Để duy trì và nâng cao mức độ tăng trưởng theo các đại biểu quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy phát triển khu vực sản xuất trong nước. Làm sao để doanh nghiệp tự tin và có cơ hội phát triển hơn trong môi trường kinh doanh hiện nay. Cần tăng cường kỷ luật tài khóa, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước là những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, dẫn dắt thị trường trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá trong khi bảo toàn dự trữ ngoại hối quốc gia. Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ lo ngại trước việc Chính phủ quyết liệt giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Riêng việc tăng sản lượng khai thác dầu thô để đạt mục tiêu tăng trưởng, theo các đại biểu đây chỉ là giải pháp ngắn hạn.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung: việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu, đánh giá về tái cơ cấu và vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cần có Luật hoặc Nghị quyết về cổ phần hóa DNNN, đánh giá lại điểm được và chưa được của chương trình MTQG, đánh giá thêm về xử lí nợ xấu, điều chỉnh chính sách thuế.