Sẽ có thêm 3 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh theo Thông tư 09/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, từ ngày 01/8/2019.

Theo Thông tư 09/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, từ ngày 01/8/2019, sẽ có thêm 3 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh.

Cụ thể, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tức tương đương 8,94 triệu đồng, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ BHYT; Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ BHYT nhưng chưa được cấp lại. Thông tư này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2019.

Theo Nghị định 59 của Chính phủ hướng dẫn Luật phòng chống tham nhũng được ban hành ngày 1/7/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/08/2019 tới, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nào bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự…cũng sẽ bị kỷ luật với mức cao nhất là cách chức. Theo đó, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… sẽ bị kỹ luật, cảnh cáo. Trường hợp nếu đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.