Hội Nông dân Việt Nam - Tổ chức của Nông dân Việt Nam

 Ngày 14-10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương nêu rõ mục đích “Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa”.

Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam. Từ đây, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nông hội khắp nơi trong nước đã phát huy vai trò tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, chống nạn thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống cải lương lừa dối, chống chiến tranh… Chỉ tính riêng trong năm 1937, đã có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia ruộng công, giảm tô, tức, khất thuế,....

Theo từng giai đoạn cách mạng, với những đổi mới về hình thức, khẩu hiệu hoạt động và các tên gọi khác nhau, tổ chức Hội Nông dân đã tập hợp nông dân từ miền ngược đến miền xuôi tham gia vào các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh. Qua phong trào đấu tranh, các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, đưa cả nước bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, các cấp Hội nông dân đã tập trung vận động thực hiện các phong trào, như: xây dựng "Cánh đồng 5 tấn", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của Hội Nông dân giải phóng, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa”, đã xuất hiện nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm, kiên cường, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu hoạt động của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công nhân – nông dân – trí thức, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78-CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Đến ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công… ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân...".

Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, nông dân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, ngày càng phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống ở nông thôn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.