22-12: Theo bước chân hào hùng Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự. Đây là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, giàu lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, siết chặt họ thành một khối vững chắc. Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt, và sáng ngày 26/12/1944, đột nhập vào đồn Nà Ngần, giết hết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng chắc của quân đội ta.

Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thương, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân.

Sau cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22-12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân.

Với lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giành lại độc lập thống nhất, bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, Quân đội tiếp tục làm tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất; đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.