Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn phải chống lại những cuộc chiến tranh xâm lược, nên sớm hình thành truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất. Vì vậy, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, từ năm 1858 đến trước năm 1930, hàng trăm cuộc khởi nghĩa, phong trào chống Pháp đã nổ ra như khởi nghĩa của Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân.... Các cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh đó vô cùng anh dũng, nhưng đã bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại.
Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn của năm 1929, ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản tuyên bố thành lập. Đó là Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. Sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Do đó, yêu cầu bức thiết của cách mạng đặt ra là cần có một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - cán bộ của Quốc tế Cộng sản, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam - là người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu thống nhất các tổ chức cộng sản.
Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng. Hội nghị mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng. Đó là một mốc lớn, bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước.
Chỉ mới 15 tuổi, Đảng ta đã lãnh đạo cả dân tộc vùng dậy, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
9 năm sau đó, dân tộc Việt Nam tự hào với bè bạn năm châu khi lần đầu tiên một dân tộc thuộc địa đã đánh thắng đội quân nhà nghề Pháp hùng mạnh, làm nên mốc son Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương, đồng thời cổ vũ Nhân dân các nước thuộc địa vùng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Hơn hai thập niên sau đó, Dân tộc Việt Nam lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vững vàng bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định vững chắc.
Dân tộc ta tự hào “Việt Nam có Bác Hồ” - Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta và càng tự hào hơn vì dân tộc ta có một Đảng Cộng sản kiên cường, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn bó mật thiết với Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân./.