Ngày 5/6/1911: Bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước của Bác

Ngày 5-6-1911, từ cảng Sài Gòn, với tên Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) đi Marseille, Pháp, bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

Rút kinh nghiệm của các sĩ phu yêu nước đương thời hướng con đường cứu nước về phía Trung Quốc hay Nhật Bản, Nguyễn Ái Quốc cho rằng muốn đánh đuổi kẻ thù phải biết rõ kẻ thù của mình. Vì thế, Người đi sang Tây Âu trước hết là Pháp, để xem nước Pháp và các nước khác như thế nào nhằm giải đáp câu hỏi Đâu là con đường cứu nước?

Tàu cập cảng Marseille, Người chỉ ở lại Pháp 3 tháng, rồi tiếp tục cuộc hành trình, đi theo nhiều tàu buôn khác, đến nhiều nơi, nhiều châu lục Phi, Mỹ, Âu, Á và làm đủ mọi nghề để kiếm sống, học tập và hoạt động cách mạng. Người đã lăn lộn trong phong trào công nhân và Nhân dân lao động quốc tế. Từ đó rút ra bài học đầu tiên là: Ở đâu cũng chỉ có hai loại người, thiểu số đi áp bức bóc lột, còn đại đa số quần chúng lao động là những người bị áp bức bóc lột.

Cuối năm 1917, Người trở lại Pháp tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, tham gia Đảng xã hội Pháp. Tại hội nghị ở Vecxay (Pháp), thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho các dân tộc Đông Dương, gây ra tiếng vang lớn trong dư luận và trong giới Việt kiều ở Pháp.

Cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917) và sự thành lập quốc tế III, tức quốc tế cộng sản (3-1919) là những sự kiện lịch sử trọng đại có tác động mạnh mẽ tới các chiến sĩ của phong trào cách mạng và phong trào công nhân thế giới trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lênin đã đến với Người vào tháng 7-1920. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, đứng hẳn về quốc tế thứ III. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 họp ở Tua (từ 25 đến 30-12-1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sự kiện này đánh dấu bước nhảy vọt trong quá trình chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Từ một người yêu nước, ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành một người cộng sản. Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho Nhân dân Việt Nam, con đường giải phóng theo học thuyết Mác - Lênin, con đường kết hợp giữa đấu tranh giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội.

Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp và cùng với một số người yêu nước của các dân tộc thuộc địa Pháp, Người đã sáng lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp ở Paris.

Giữa năm 1923, người bí mật từ Pháp đi Liên Xô dự hội nghị Quốc tế nông dân và được bầu vào Ban chấp hành.

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu Trung Quốc và lấy tên là Lý Thuỵ, cải tổ tổ chức Tâm Tâm xã để thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.

Vào giữa năm 1929, nhu cầu thành lập tổ chức cộng sản đã chín muồi, với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành lập ra một chính Đảng duy nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.

Với tất cả cống hiến lớn lao của Người trong hành trình tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911 đã trở thành ngày kỷ niệm trọng đại, là tài sản tinh thần to lớn, vô giá của dân tộc Việt Nam.