Bắt đầu từ năm 2019, lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới bỏ quy hoạch số lượng cũng như không hạn chế việc di chuyển địa điểm trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng sẽ quản lý thế nào để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo chất lượng kiểm định phương tiện?
Theo Cục Đăng kiểm VN, quy định mới đồng nghĩa với việc từ năm 2019, các Trung tâm đăng kiểm khi xây dựng mới chỉ cần căn cứ quy chuẩn để triển khai, không cần theo quy trình “thủ tục trước, xây dựng sau” như hiện nay. Trong quy định mới cũng chưa đặt vấn đề quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trung tâm đăng kiểm tại các địa phương hay địa bàn lân cận. Riêng tại Bình Dương, hiện có 5 đơn vị, 2 chi nhánh với 17 dây chuyền kiểm định xe cơ giới. Đặc biệt, có tới 2-3 trung tâm đăng kiểm cùng nằm trên một tuyến đường, cạnh tranh bằng vị trí, lợi thế địa điểm giữa trung tâm ra đời mới và trung tâm cũ. Điều này đồng nghĩa sự cạnh tranh giữa các trung tâm đăng kiểm sẽ gay gắt hơn và cũng đặt không ít trung tâm đăng kiểm vào thế sống còn. Trong khi hệ thống sẽ áp dụng chung một mức giá dịch vụ đăng kiểm và không được cạnh tranh thông qua giá đăng kiểm hay chương trình khuyến mãi. Vậy vấn đề đặt ra là khi dịch vụ đăng kiểm “mở cửa”, các trung tâm đăng kiểm cạnh tranh bằng cách nào?
Xã hội hóa công tác đăng kiểm sẽ mang lại một số kết quả tích cực. Các trung tâm phải nâng chất lượng phục vụ như thái độ đón tiếp, tư vấn cho khách hàng để thu hút phương tiện đến đăng kiểm, nhưng đồng thời cũng sẽ bộc lộ bất cập khi xuất hiện nhiều trung tâm đăng kiểm kém chất lượng. Do đó, bên cạnh sự thông thoáng, minh bạch thể hiện bằng các quy định rõ ràng và giảm các thủ tục “tiền kiểm”, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cũng cần tăng điều kiện “hậu kiểm” để kiểm soát chất lượng dịch vụ.
Và điều cần làm hiện nay chính là ngành Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm tăng cường nắm bắt thông tin, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy trình đăng kiểm để thu hút phương tiện, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trung tâm đăng kiểm.