Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, sáng 4/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp cấp bách nhằm khống chế dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, sáng 4/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp cấp bách nhằm khống chế dịch bệnh. Dự và chủ trì Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân PhúcPhó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương. Chủ trì tại điểm cầu Bình Dương có ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

Tuy không gây bệnh trên người, nhưng dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan rất nhanh trên heo với tỉ lệ chết có thể lên đến 100%, ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường. Tính từ ngày 1/2 - 3/3/2019, cả nước đã xảy ra dịch tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương, với tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy trên 4 ngàn 200 con.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ NN&PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy; Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức ngăn chặn, khống chế dịch tả heo châu Phi; đề nghị các tổ chức quốc tế xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi và các loại dịch bệnh động vật khác.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện; phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật hàng năm để bảo đảm có đầy đủ nguồn lực, kinh phí, nhân lực, hóa chất... cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; duy trì, tăng cường nguồn lực cho hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y.

Bình Dương là một địa phương có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh trong vùng Đông Nam bộ, ngay khi có thông tin dịch tả heo châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào VN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động, chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, hóa chất, phương tiện cùng các phương án cụ thể trong mỗi tình huống ứng phó nếu có dịch xảy ra.