Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, chiều 29/5, Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Dự án Bộ luật Lao độ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, chiều 29/5, Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trước đó, vào sáng nay, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; trình bày Tờ trình, Báo cáo thuyết minh, Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tờ trình về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho thấy, tổng số vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương được giao hàng năm trong cả giai đoạn để thực hiện và giải ngân ước đạt hơn 964 ngàn tỷ đồng, bằng 86,16% tổng số vốn ngân sách trung ương dự kiến trong kế hoạch trung hạn (1 triệu 120 ngàn tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng chung). Để giải quyết phần thiếu hụt ( hơn 155 ngàn tỷ đồng), Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách. Trong trường hợp không bù đắp đủ, phần còn lại sẽ được tiếp tục cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Báo cáo thẩm tra việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương  trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng, từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng có thể thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án và sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có)…

Tờ trình và báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể nêu rõ: Đây là một trong số 8 công ước cơ bản của ILO, tính đến 1/2019 đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia. Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.  Gia nhập Công ước 98 sẽ giúp người lao động được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 cũng tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế.

Tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)có một số nội dung xin ý kiến về việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa và điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo gồm theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến: Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với Phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035. Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.