Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, ngày 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý.
Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật và cho rằng đối với các khoản thu nhập, tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp thì trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế và buộc họ phải nộp thuế là phù hợp. Về mức thuế, đa số ý kiến tán thành mức thuế suất 45% tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay.
Tại phiên họp, các nội dung về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; trường hợp phải tiến hành xác minh tài sản, thu nhập khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.