Từ ngày 1/3/2019 hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế. Trong lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, giai đoạn 1 (2019 – 2023) sẽ áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên. Ngành y tế Bình

Thông tư 46 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, được Bộ Y tế xây dựng nhằm phục vụ công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn. Theo đó, từ ngày 1/3/2019 hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế. Trong lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, giai đoạn 1 (2019 – 2023) sẽ áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên. Ngành y tế Bình Dương đang rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng yêu cầu theo quy định.

TRIỂN KHAI BỆNH ÁN ĐIỆN TỬ - CẦN MỘT LỘ TRÌNH

Bệnh án điện tử là hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân. Bệnh án điện tử cho phép bác sĩ và người bệnh có thể xem lại quá trình điều trị một cách nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, bệnh án điện tử còn giúp bác sĩ và bệnh nhân theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị của mình, từ đó đưa ra những chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân. Điểm mạnh nhất của Bệnh án điện tử đối với bác sĩ là lưu trữ thông tin bệnh nhân một cách chi tiết và có hệ thống. Điều này giúp bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán và phương thức điều trị chính xác, cũng như hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết.Và thực tế cho thấy, một số bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế, có lộ trình áp dụng bệnh án điện tử từ 5-6 năm qua, đã hoạt động hiệu quả, được người bệnh, y bác sĩ lẫn nhà quản lý đánh giá cao.

Phải nhìn nhận rằng, Bệnh án điện tử ưu việt hơn bệnh án giấy ở những điểm chính như: Tính chính xác; tiết kiệm; tìm kiếm, truy xuất nhanh; minh bạch; lưu trữ trọn đời; hỗ trợ xem trực tuyến. Thực hiện bệnh án điện tử là công cụ nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh; đồng thời giảm tải thời gian đăng ký khám chữa bệnh và có cơ sở để quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân.

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh BD được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh đã thực hiện liên thông, trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0 của Bộ Y tế, với 5 mức đánh giá chất lượng, các bệnh viện của tỉnh đều đạt từ mức 3 trở lên. Đối với hệ thống y tế công lập, các Trung tâm y tế huyện/thị đều đạt ở mức 3. Riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh đạt ở mức 4 và một số tiêu chí ở mức 5 để phấn đấu tiến tới lộ trình thực hiện bệnh án điện tử theo quy định. Hiện tại BVĐK tỉnh là BV hạng 1 - theo quy định phải áp dụng bệnh án điện tử; một số bệnh viện khác như Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước, Bệnh viện Quốc tế Columbia, bệnh viện Hoàn Mỹ - Vạn Phúc đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí ở mức 5. Ngành y tế đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các thủ tục để các đơn vị khám chữa bệnh thực hiện nội dung triển khai chữ ký điện tử trong lĩnh vực y tế.

Ngành Y tế Bình Dương bám sát định hướng, lộ trình áp dụng bệnh án điện tử mà Bộ Y tế đã xây dựng; đồng thời xây dựng đề án trình UBND tỉnh việc thực hiện bệnh án điện tử trên địa bàn tỉnh. Đây là những điều kiện cơ bản, là cơ sở trong việc hoàn thiện việc kết nối liên thông giữa bệnh án điện tử, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và phần mềm báo cáo thống kê điện tử đang triển khai trên địa bàn tỉnh.