Trong thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển về qui mô tổ chức, năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng với thị trường và đã có những đóng góp quan trọng vào qúa trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Tính đến tháng 11 năm 2017, Bình Dương có gần 29.500 doanh nghiệp tư nhân, với số vốn đăng ký gần 215.000 tỷ đồng và chiếm 98% luợng vốn đầu tư trong nuớc tại Bình Dương. Ngoài việc đóng góp khỏang 40% GDP của Tỉnh, khu vực kinh tế tư nhân còn góp phần đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, gía trị xuất khẩu của địa phương hàng năm hơn 16%.
Cùng với đó, khu vực kinh tế tư nhân của Tỉnh còn tham gia đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh: Từ các ngành hàng truyền thống đến các ngành hàng mới; từ lĩnh vực chế biến đến lĩnh vực chế tạo; đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế, đến phát triển dịch vụ… Tất cả đều tạo đuợc hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là lợi thế cần đuợc phát huy trong thời gian tới.
Đáng ghi nhận là trong quá trình phát triển, khu vực kinh tế tư nhân ở Bình Dương luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến và thực hiện các chiến luợc phát triển thị trường đạt hiệu quả tốt, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống doanh nghiệp tư nhân. Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ trong khu vực kinh tế tư nhân của Tỉnh đã chiếm từ 45-52%/tổng vốn trong nuớc mà Bình Dương thu hút đuợc hàng năm. Nhờ vậy khu vực kinh tế tư nhân đã sản xuất và cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu hàng chục sản phẩm có chất luợng cao, cạnh tranh mạnh mẽ trên thương trường trong nuớc và quốc tế.
Tuy vậy, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn một số hạn chế liên quan đến qui mô doanh nghiệp, nguồn tài chính để đầu tư, trình độ quản lý doanh nghiệp, công nghệ sản xuất và quá trình phát triển thương hiệu, phát triển thị trường…
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp Hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Tòan hệ thống chính trị phải thường xuyên chăm lo tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực…Bên cạnh đó, sẽ nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong kỷ nguyên số... Hy vọng khu vực kinh tế tư nhân sẽ hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa. Tuy vậy khu vực kinh tế này cần tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như từng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cụ thể. Đồng thời tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới…Đây là những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.