Bản sắc một vùng đất là những gì tinh túy nhất được chắt lọc trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa vùng đất ấy. Hơn 300 năm qua, với những biến động lịch sử, nhưng bao lớp cư dân đất Thủ- Bình Dương vẫn gìn giữ và bồi đắp nên một bản sắc riêng cho quê hương mình. Ẩn sau khuôn mặt công nghiệp hóa và hiện đại hóa, người Bình Dương vẫn luôn giữ lại trong mình một bản sắc riêng, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại làm nền tảng cho sức mạnh hướng đến tương lai. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN

Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức vào tháng 2 năm 1943, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới. Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bằng tình yêu và đam mê, nhiều thế hệ đã tiếp nối nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, gìn giữ cái hồn của đất Thủ-Bình Dương. Đến nay, Bình Dương có 3 bảo vật quốc gia gồm: tượng động vật Dốc Chùa được công nhận năm 2013, mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh công nhận năm 2018, và bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được công nhận vào tháng 11-2021. Bình Dương cũng có 4 di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh gồm: nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm Bình Dương, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà và Lễ Kỳ Yên đình thần Tân An. Các di sản văn hóa được vinh danh có ý nghĩa quan trọng giúp cho mọi người hiểu hơn về văn hóa Bình Dương. Bảo tàng - đó chính là nơi hội tụ tất cả những giá trị cốt lõi giúp mọi người tìm hiểu một cách tổng quát nhất về văn hóa lịch sử một vùng đất. Như khi đặt chân đến bảo tàng Bình Dương, mọi người đã có thể cảm nhận được sức cuốn hút của tầng sâu văn hóa Bình Dương với lịch sử hơn 300 năm đã được tái hiện sinh động chỉ trong 1 tác phẩm nghệ thuật như thế này. Ở đó có những ngày đầu mở đất lập làng gian khó với “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp beo”. Ở đó có những mốc son lịch sử sáng chói qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Ở đó có những làng nghề, những cung bậc đờn ca tài tử như tiếng lòng người đất Thủ. Và ở đó có cả một Bình Dương năng động sáng tạo nghĩa tình, nơi hội tụ nguồn lực và lan tỏa thành công.

Sức lan tỏa là vô cùng lớn khi trên đất Bình Dương đang hiện diện rất nhiều những di tích mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử. Bình Dương có 39 di tích được xếp hạng, bao gồm: 5 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh hiện nay lên 62 di tích. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích chính là một cách thức hữu hiệu trong công tác văn hóa. Được xây dựng từ năm Giáp Dần 1854, và cũng đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, đình Tân Trạch vẫn luôn được người dân đất cù lao Bạch Đằng gìn giữ. Giống như một số ngôi đình nổi tiếng khác của Bình Dương, đình Tân Trạch cũng được vua ban sắc phong đủ thấy tầm quan trọng của ngôi đình là đại diện cho quyền lực làng xã. Trong khi đó, lễ hội cúng đình chính là biểu hiện sinh động của truyền thống uống nước nhớ nguồn, nơi con người được trở về với nguồn cội, thể hiện sức mạnh cộng đồng, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư. Đây cũng là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu.

Tiền nhân cũng để lại những làng nghề thủ công truyền thống như: gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, để đến hôm nay qua hơn 300 năm những ngành nghề truyền thống ấy đã trở thành thương hiệu, là nét đẹp văn hóa đặc trưng.  Và trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay là phải giữ nghề, truyền nghề và phát triển nghề lên một tầm cao mới thông qua nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là sự kết hợp giữa làng nghề với du lịch, là sự mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, quảng bá tiếp thị sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, hoặc đó là những tâm huyết trong công tác đào tạo nghề truyền thống một cách bài bản và khoa học để tạo ra đội ngũ thợ lành nghề đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đất nước bước sang một giai đoạn mới thì lực đẩy văn hóa cần phải đặt đúng “vị trí”, đúng “tầm”. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI xác định “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Văn kiện Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Tại Đại hội lần thứ 13, Đảng ta cũng đã chỉ rõ phải: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại". Kế thừa có chọn lọc và phát triển những quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng về văn hóa, Bình Dương luôn xem trọng văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, mà là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, tỉnh đã thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa theo quy chế phân cấp rõ ràng, cụ thể, chủ động về quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng di tích. Là tỉnh có hệ thống di tích lịch sử văn hóa rất phong phú và đa dạng, với nhiều loại hình như: lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ, tỉnh Bình Dương đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở để thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng chú trọng khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di tích với nhiều hình thức đa dạng, gắn kết các di tích văn hóa với các hoạt động du lịch và hoạt động giáo dục lịch sử truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi tập trung sức mạnh của ý Đảng lòng dân và trở thành  nỗi ám ảnh, khiếp sợ của kẻ thù, vùng đất Bình Dương chính là một dấu son chói ngời, viết tiếp nên bản hùng ca “miền Nam thành đồng Tổ Quốc”. Sẽ không có một bài học lịch sử nào ấn tượng bằng những bài học lịch sử trực quan sinh động như thế này. Lịch sử không còn là những con số và sự kiện một cách khô khan, mà lịch sử thấm sâu vào lòng người từ chính những trải nghiệm như thế để tự thân mọi người sẽ có những suy nghĩ, ý thức trách nhiệm và hành động vì lý tưởng, vì quê hương đất nước.

Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng nghỉ mà quá khứ với những giá trị vững bền chính là nền tảng cho sự phát triển. Trong định hướng của mình, Bình Dương luôn xem trọng văn hóa là cội rễ, và cũng là mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững. Với sự trân trọng quá khứ, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, người Bình Dương tràn đầy năng lượng và tự tin hướng đến những thành công mới./.